BTĐKT - UBND tỉnh Bình Phước vừa phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2023.
Phong trào được phát động nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và hoạt động thực thi pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong cộng đồng và phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tập thể, cá nhân. Thông qua phong trào thi đua, tạo động lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các đơn vị, địa phương quyết tâm phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ.
Đại tá Nguyễn Phương Đằng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước trao Giấy khen cho các tập thể và cá nhân
Phong trào được phát động với một số nội dung trọng tâm:
Thứ nhất, thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch công tác năm 2023.
Thứ hai, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và trật tự đô thị, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho mọi tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông vận tải, xây dựng, đất đai và du lịch có liên quan đến nhiệm vụ bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực, hiệu lực của lực lượng tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.
Thứ năm, đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông gắn với duy tu, bảo đảm an toàn giao thông và khai thác có hiệu quả các công trình hạ tầng hiện hữu, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Thứ sáu, đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống dịch vụ vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá thu hút hành khách, hàng hóa sử dụng vận tải, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng.
Thứ bảy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hướng dẫn người tham gia giao thông cũng như hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Thứ tám, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trọng các khâu quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.
Thứ chín, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp cứu, chữa trị và phục hồi sức khỏe cho nạn nhân tai nạn giao thông; đẩy mạnh việc tập huấn, phổ biến kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho các lực lượng chức năng, tình nguyện viên. Khắc phục kịp thời hậu quả của tai nạn giao thông./.
Lê Văn Tâm