TĐKT - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu phấn đấu hết năm 2023, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; ít nhất 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có khoảng 7 - 8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đến hết năm 2022, cả nước có 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đó là: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Ninh Bình, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và Bạc Liêu.
Trong số trên có 5 tỉnh là Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hết năm 2022, cả nước có 6.009/8.225 xã (73,06%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 4,8% so với cuối năm 2021). Trong số đó, có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 434 xã so với cuối năm 2021) và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 67 xã so với cuối năm 2021).
Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 42 đơn vị so với cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý và văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt là các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng đã hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phân bổ 100% vốn đầu tư công và 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài được giao bổ sung kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của chương trình cho các địa phương.
Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhất là 6 chương trình chuyên đề chuyên sâu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững. Qua đó nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Phương Thanh