TĐKT - Chuyển đổi số y tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của 8 lĩnh vực ưu tiên của chuyển đổi số quốc gia được quy định trong Quyết định số 749/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nắm bắt được tinh thần đó, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã chủ động đổi mới lề lối làm việc, tăng cường công tác cải cách hành chính, khẩn trương triển khai các ứng dụng chuyển đổi số, áp dụng nhiều kỹ thuật mới, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao công tác bảo vệ - chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Xác định rõ, chuyển đổi số trong ngành Y tế trong giai đoạn hiện nay là tập trung vào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh, từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 01/4/2022, Sở Y tế tinh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 37 về việc phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022; Kế hoạch số 11a/KH-SYT ngày 10/02/2022 về việc triển khai thí điểm phần mềm chăm sóc sức khoẻ F0 tại nhà trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và Kế hoạch số 42/KH-SYT ngày 08/4/2022 về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022.
Một ca phẫu thuật tán sỏi mật qua da bằng laser cho bệnh nhân tại bệnh viện Đa khoa Ninh Bình
Thực hiện những kế hoạch đó, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, như: Nâng cấp mạng LAN, nâng cấp dung lượng đường truyền internet. Ngoài ra, các đơn vị còn đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, giúp việc khám, chữa bệnh cho nhân dân được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã có sự đầu tư về máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin và từng bước số hóa trong hoạt động, đã tạo điều kiện giúp các đơn vị chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện Sở Y tế cho hay: Hiệu quả thấy rõ nhất của việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào khám, chữa bệnh là trong thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt phải kể đến ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tiêm chủng, đã tạo điều kiện giúp người dân thuận lợi theo dõi thông tin tiêm chủng không cần phải mang theo sổ giấy vì toàn bộ thông tin đã được cập nhật trong sổ tiêm chủng điện tử trên hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Sở Y tế Ninh Bình cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị trực thuộc ngoài việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, các đơn vị còn tăng cường ứng dụng CNTT trong khám bệnh, hướng đến đáp ứng yêu cầu triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ. Tăng cường triển khai các hoạt động y tế từ xa với các bệnh viện tuyến trên…
Với những nỗ lực đó, đến nay, ngành Y tế Ninh Bình đã đạt được những thành quả bước đầu. Đến nay, 100% các dịch vụ công trực tuyến do Sở Y tế thực hiện đều được công khai và thực hiện trên cổng dịch vụ công Một cửa điện tử của tỉnh, của Sở. 100% các đơn vị trực thuộc đã triển khai hệ thống mạng chuyên dùng cấp II, vận hành ổn định, an toàn và thông suốt; đồng thời đều triển khai hệ thống phần mềm Quản lý văn bản iOffice và thực hiện ký số khi gửi văn bản điện tử giữa các đơn vị, rất thuận tiện.
Tại các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn tỉnh đều đã được trang bị chữ ký số, đảm bảo ký xác thực hồ sơ “Hộ chiếu vắc xin” trên hệ thống phần mềm tiêm chủng. 143/143 các trạm y tế tuyến xã cả tỉnh Ninh Bình đến nay đều đã triển khai ứng dụng phần mềm Y tế cơ sở. Phần mềm này cơ bản đáp ứng được nhu cầu quản lý khám chữa bệnh và một số lĩnh vực y tế dự phòng; đồng thời có khả năng kết nối liên thông với các phần mềm khác.
Hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đều đã đầu tư hệ thống phần mềm Quản lý bệnh viện, hệ thống lấy số tự động…, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi khi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Thông tin của bệnh nhân được lưu trữ và dễ dàng tra cứu trên hệ thống phần mềm. Người bệnh nhận phiếu, đơn thuốc được in ra rõ ràng tránh nhầm lẫn.
Riêng các bệnh viện Đa khoa và bệnh viện Sản nhi của tỉnh Ninh Bình, đến nay đã chính thức đưa hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh không in phim (PACS) vào hoạt động. Quy trình này đã tạo bước tiến quan trọng để các bệnh viện tiến gần hơn tới việc số hóa các thông tin về y khoa theo mô hình Bệnh án điện tử. Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian chờ đợi cho người bệnh và nâng cao hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa, đồng thời góp phần giảm chi phí và bảo vệ môi trường khi không phải in phim.
Toàn bộ các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phương thức thanh toán không dùng tiền mặt bằng phương thức mã QR code hoặc phương thức Mobile money và thẻ POS liên kết với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị đã tích cực chủ động trong việc cải cách thủ tục hành chính đã triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Hiện nay đã tích hợp được trên 200.000 thẻ BHYT vào căn cước công dân (CCCD) để đi khám chữa bệnh BHYT, công việc này vẫn đang được tỉnh Ninh Bình tiếp tục triển khai thực hiện. Đối với những người chưa được tích hợp thẻ BHYT vào CCCD thì vẫn đi khám chữa bệnh bình thường như cũ và khi đi phải mang theo thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.
Chị Nguyễn Thị Hồng (36 tuổi), thường xuyên sử dụng các dịch vụ y tế tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Càng ngày bệnh viện càng hiện đại. Tôi thấy rất tiện khi đi bệnh viện không cần phải chen lấn, xô đẩy để vào khám mà chỉ cần ấn nút, lấy giấy rồi ngồi chờ thông báo đến lượt, rất văn minh. Lúc thanh toán, tôi cũng không phải mang theo tiền mặt, tất cả đều gói gọn trong chiếc smart phone. Tôi cảm thấy rất hài lòng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Y tế tỉnh, Ninh Bình vốn là một địa bàn đa dạng địa hình với trình độ văn hóa không đồng bộ, thu nhập chưa cao, vì vậy trong quá trình triển khai chuyển đổi số ngành Y tế vẫn gặp phải không ít khó khăn.
Cụ thể như, hiện nay, tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp. Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên chiếm số lượng lớn nên việc tiếp cận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế tại các đơn vị trực thuộc và các cơ sở khám, chữa bệnh.
Mặt khác, do mức phí thu quẹt thẻ qua POS của các ngân hàng trên mỗi giao dịch khá cao, một bệnh nhân có thể phát sinh nhiều hơn một giao dịch, các đơn vị khám chữa bệnh đang phải trả chi phí giao dịch này, trong khi chi phí này chưa được đưa vào chi phí khám chữa bệnh. Vì vậy, vô hình chung, khi thực hiện giao dịch này, các cơ sở y tế thêm phần gánh nặng chi phí.
Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho rằng, để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ, tạo thuận lợi trong triển khai chủ trương đào tạo đặt hàng, cụ thể là có giải pháp, quy định pháp luật trong đặt hàng đào tạo liên thông bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y theo địa chỉ sử dụng cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã do thực tế các đơn vị này rất khó khăn trong tuyển dụng, thu hút được nhân lực bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y đại học về công tác.
Đối với ngành y tế tuyến tỉnh, cần tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đồng thời tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong y tế.
Cần tập trung tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của các cấp về ứng dụng CNTT trong việc xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, trong đó có việc ứng dụng CNTT áp dụng cho các dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, phát triển nền tảng Chính quyền điện tử; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; phát triển dữ liệu số; tiếp tục đấy mạnh triển khai, ứng dụng các dịch vụ, giải pháp phục vụ người dân, doanh nghiệp tiếp cận với các dịch vụ số trong lĩnh vực y tế.
Ngoài ra, cần triển khai các hệ thống thu thập phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh và bảo đảm an toàn an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số./.
Thục Anh