TĐKT - Đến phố Khâm Thiên (quận Đống Đa, TP Hà Nội) trong không khí những ngày cả Thủ đô hướng đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không", được trò chuyện cùng những nhân chứng trong trận rải bom B52 lịch sử diễn ra vào đêm ngày 26/12/1972 tại chính con phố này; được tận mắt chứng kiến sự thay da, đổi thịt của mảnh đất và con người phố Khâm Thiên hôm nay….chúng tôi - những người trẻ tuổi càng thêm khâm phục, biết ơn và trân trọng hơn hạnh phúc, hòa bình mà chúng ta đang có được.
Cách đây 50 năm, vào khoảng 22 giờ ngày 26/12/1972, đêm thứ chín trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không”, nhiều tốp máy bay B52 của không quân Mỹ đã ồ ạt thả bom khu vực Khâm Thiên. Khoảng một nghìn quả bom đã trút xuống. Vệt bom kéo dài hơn 1.000 m đã tàn phá 17 khối phố, trong đó các khối phố 42, 44, 45, 46 và 47 bị san phẳng. Cả khu phố chìm trong khói lửa. Trạm y tế, cửa hàng lương thực, thực phẩm, chợ Khâm Thiên, đình Tương Thuận, nhiều cơ sở sản xuất và gần 550 ngôi nhà đã bị bom phá hủy. 1.200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng... Gần 300 người, trong đó có 40 cụ già, 56 trẻ em, 94 phụ nữ đã chết, hơn 260 người bị thương.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhiều gia đình rơi vào cảnh vợ mất chồng, con mất cha, mẹ mất con, 66 em nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, 112 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, đau thương chồng chất. Hình ảnh người mẹ ôm con chết đứng do sức ép của bom B52 ngay chân cầu thang ngôi nhà số 47 Khâm Thiên sau đó đã được các họa sĩ tạc lại, trở thành dấu tích lịch sử đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của cả dân tộc ta.
Ông Vũ Xuân Trường thắp nén nhang, tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống trong Đêm B52 tại Đài tưởng niệm Khâm Thiên
Đứng trước Đài tưởng niệm Khâm Thiên (số 47, 49, 51 phố Khâm Thiên), thắp nén nhang, tưởng nhớ những vong linh đã ngã xuống trong đêm B52, ông Vũ Xuân Trường, 72 tuổi, ở số 339 Văn Chương, xúc động, hồi tưởng lại với chúng tôi về ký ức buồn năm ấy.
Lúc đó, ông mới là chàng thanh niên hai mốt, hai hai tuổi. Là cảnh sát khu vực Khối 47, Đồn số 42, Công an Khu phố Đống Đa, TP Hà Nội, ông được phân công phụ trách từ 250 - 300 hộ dân ở Khối 47.
Ông Trường cho biết: Bắt đầu từ ngày 18/12/1972, không quân Mỹ đã liên tục rải bom ở khu vực Hà Nội. Vì vậy, tối nào ông cùng các chiến sĩ khác trong đơn vị cũng đi từng ngõ, gõ từng nhà để vận động nhân dân đi sơ tán, nhắc nhở người dân vào các hầm trú ẩn cá nhân, gia đình hay hầm công cộng mỗi khi có báo động. Sau đó, đến khoảng 10 giờ đêm, tất cả các chiến sĩ phải quay trở về đồn để báo cáo cụ thể tình hình cho chỉ huy, xem khu vực mình quản lý có bao nhiêu người già, trẻ em, số người đã đi sơ tán và ở lại.
Đêm 26/12/1972, vẫn làm công tác ấy như mọi ngày, nhưng ông Trường chưa kịp quay trở về Đồn thì xảy ra trận rải bom khủng khiếp ấy. May mắn thoát chết, nhưng ông thực sự đau xót khi chứng kiến toàn bộ cảnh tang thương của phố Khâm Thiên năm ấy.
Ông Trường còn nhớ: “Sau loạt tiếng nổ ầm ầm, rung cả chuyển đất trời và những luồng ánh sáng tung tóe, tôi bò ra khỏi hầm và xót xa khi nhìn thấy nhà cửa toàn khu phố đã trở nên đổ nát, chìm trong khói lửa. Tôi bắt đầu nghe thấy tiếng người dân kêu cứu vọng lại. Chẳng màng đến những bom nổ chậm hay bom bi, trèo qua đống đất đá, lần theo tiếng kêu cứu, tôi cùng các chiến sĩ thẳng một mạch xuống với dân.”
Đã 50 năm trôi qua, nhưng ông Trường vẫn nhớ như in thời đểm chạy tới cứu bà Nguyễn Thị Thuận (vợ ông Trương Minh Tư) quản đốc phân xưởng Xí nghiệp 1 Đồng Quang – nơi chuyên xay bột nếp phục vụ cho chiến đấu và cung cấp cho nhà máy Dược phẩm thời bấy giờ. Đêm hôm trước, Xí nghiệp vừa nhập về 10 tấn gạo nếp vào kho nên bà Thuận phải ở lại trông nom kho gạo. Đêm 26/12, bom nổ trúng kho gạo ở hầm đầu hồi, khoét bay 10 tấn gạo và còn khoét sâu thêm 1 hố bom to như 1 cái giếng làng. Bà Thuận tuy bị kéo xuống miệng hố bom 2 mét, nhưng may mắn sống sót. Chính ông Trường đã phát hiện và trực tiếp cõng bà Thuận lên khỏi miệng hố bom ra đầu Cống Trắng để chờ xe cứu thương.
Đêm hôm đó, ông Trường không nhớ hết trên lưng mình đã cõng, cứu bao nhiêu người ra Cống Trắng. Ông bảo, không hiểu sao lúc đó mình lại khỏe đến vậy. Cứ cứu hết người này, đến người khác, cho đến khoảng 1 - 2 giờ sáng mới quay về Đồn.
Sau đêm B52, liên tục gần 1 tháng trời, ông Trường cùng các chiến sĩ còn sống tiếp tục nhiệm vụ chăm lo cho dân, cùng nhân dân khắc phục, ổn định cuộc sống để đón Tết.
Nhiều năm nay, bà Phượng vẫn giữ thói quen trở về ngôi nhà số 68 Khâm Thiên để thắp hương tưởng nhớ về tổ tiên, về người anh liệt sĩ và những người đã khuất trong đêm B52 năm 1972
Cùng chung tâm trạng xúc động khi kể lại cho chúng tôi nghe về những gì mắt thấy, tai nghe trong đêm rải bom B52 của không quân Mỹ năm 1972 tại con phố Khâm Thiên, bà Nguyễn Bích Phượng, 75 tuổi, trú tại số 68 Khâm Thiên chia sẻ: Ngày đó, tôi làm y tá của Bệnh viện Đường sắt, ban ngày trực chiến, tối được về nhà với mẹ. Bố tôi mất sớm, tôi ở cùng mẹ và 4 người anh, em trai. Nhưng một người anh trai của tôi đã hy sinh ở chiến trường; một anh thì đi bộ đội, còn hai em trai là sinh viên, ở lại trường. Chỉ có hai mẹ con tôi ở nhà vào đêm hôm ấy.
Bà Phượng nhớ lại: “Tầm 10 giờ đêm, tôi nghe có tiếng còi báo động; cùng đó là xuất hiện những tiếng ì ì đầy áp lực của những chiếc máy bay chở bom chao lượn trên bầu trời. Hai mẹ con tôi nhanh chóng chui vào gầm cầu thang trú ẩn, nhưng càng lúc, tiếng ì ì ấy càng gần, cứ thúc vào lồng ngực, vào tim chúng tôi đến nghẹt thở. Sau đó là liên tiếp những tiếng bom nổ ầm ầm rồi những đợt lửa tóe sáng, làm bật tung các cánh cửa của ngôi nhà.”
Sau trận rải bom, may mắn hai mẹ con bà vẫn còn sống nhưng ngôi nhà thì mất toàn bộ mái, cửa giả bung hết. Nhiều người hàng xóm thân quen của gia đình bà đã ra đi mãi mãi vào đêm hôm đó.
Hôm nay, ngồi trong căn nhà đã nhuốm màu thời gian ở tầng hai, số 68 phố Khâm Thiên, chỉ tay về phía những vết nứt dài trên bức tường bạc màu cùng cánh cửa cũ kỹ, bà Phượng nghẹn ngào những ký ức buồn. Bà cho biết, tuy hiện nay bố mẹ đã không còn, bà và các anh em cũng đã có gia đình riêng và định cư ở nơi khác, nhưng sáng nào cũng vậy, người phụ nữ 75 tuổi này đều đặn trở về căn nhà cũ để thắp hương cho tổ tiên, cho linh hồn người anh liệt sĩ và tưởng nhớ về những người đã khuất trong đêm B52 ngày ấy.
Bộ mặt mới khang trang, sầm uất của phố Khâm Thiên hôm nay
50 năm trôi qua, cùng với thời gian và sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự phối hợp của UBND, các đoàn thể chính trị - xã hội nhân dân phường Khâm Thiên đã đứng dậy, vượt qua thương đau, mất mát, tạo dựng cuộc sống mới.
Ông Hoàng Quang Khải, Bí thư Đảng ủy phường Khâm Thiên cho biết: Dù ở bất kỳ thời điểm nào, trong chiến tranh hay hòa bình, người dân phố Khâm Thiên luôn đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền thực hiện hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Đảng bộ, chính quyền phường Khâm Thiên luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân phát triển kinh tế, không ngừng cải thiện vật chất và tinh thần.
Hiện nay, phường Khâm Thiên không có hộ nghèo, thu nhập của người dân được nâng cao. Các phong trào thi đua, hoạt động xã hội trên địa bàn phường phát triển mạnh. Công tác quản lý đô thị và trật tự xây dựng được tặng cường, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, công tác phòng cháy, chữa cháy thường xuyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc; không có điểm nóng, không xảy ra khiếu kiện.
Ông Hoàng Quang Khải cho hay, năm 2022, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của UBND phường, sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân toàn phường, tình hình kinh tế xã hội của phường Khâm Thiên đạt kết quả tốt. Tính đến hết tháng 10/2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn phường đạt 8.134.364.000đồng/ 7.619.000.000 đồng, đạt 106.8%. Đến nay, 11/11 tổ dân phố hoàn thành 100% các loại quỹ dân nguyện. Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, việc thực hiện các chính sách đối với người, gia đình có công với cách mạng và chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ.
Trong Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ vừa qua, phường Khâm Thiên đã trao 149 sổ tiết kiệm mỗi sổ trị giá 700.000đ, 149 suất quà cho 100% thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ trên địa bàn phường. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm “Hà Nội - chiến thắng Điện Biên phủ trên không”, phường phối hợp với Tập đoàn Xăng dầu tặng 37 quà cho các gia đình bị thiệt hại, tổn thất trong chiến dịch năm 1972./.
Mai Thảo