TĐKT – Chiều 29/11, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban là Trưởng đoàn đã làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang về việc triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Giám sát làm việc với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh Hà Giang
Tiếp và làm việc với Đoàn, có các đồng chí: Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh; lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; lãnh đạo và chuyên viên Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang.
Theo báo cáo của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang, phát huy tinh thần thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo vì Hà Giang phát triển”, phong trào thi đua“Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thực hiện phong trào đã có nhiều đổi mới, góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh: Kinh tế tăng trưởng ổn định, đồng bộ với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo; công nghiệp, dịch vụ du lịch đã có nhiều khởi sắc; nhiều dự án đầu tư đã phát huy hiệu quả thiết thực, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ dân trí được nâng lên.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Theo kết quả rà soát, cuối năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2022 toàn tỉnh giảm 5,16% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,99%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,17%); vượt chỉ tiêu tỉnh giao (3%) và vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao tại Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (giao tỉnh Hà Giang năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%). Các huyện đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều cao là: Mèo Vạc (8,03%), Vị Xuyên (8%), Bắc Quang (6,14%), Quang Bình (5,28%)...
Nhận thức của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng gương điển hình được quan tâm. Công tác đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua được thực hiện đầy đủ. Công tác bình xét, suy tôn đề nghị khen thưởng bảo đảm tính công khai, dân chủ, đúng đối tượng, thành tích đã tích cực phát huy hiệu quả, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng.
Trong năm 2021, có hơn 100 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, trong đó có tập thể xã, thôn, tổ dân phố, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân, nông dân... Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 4 tập thể, 4 cá nhân, 1 hộ gia đình có nhiều thành tích trong công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương và được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.
Để biểu dương những đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan đơn vị, cá nhân nhà hảo tâm, các lực lượng vũ trang, tổ chức hội đoàn thể chính trị xã hội trong Chương trình chung tay xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức khen thưởng cho 241 tập thể và 96 cá nhân. Ngoài ra các cơ quan, đơn vị, địa phương theo thẩm quyền đã có nhiều hình thức biểu dương khen thưởng, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Có thể nói, công tác phát động phong trào thi đua và biểu dương khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiến tiến đã có ảnh hưởng tích cực đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trở thành động lực to lớn góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm.
Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Hà Giang
Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát ghi nhận và đánh giá cao cơ quan thường trực đã tham mưu Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh lãnh đạo, tổ chức triển khai phong trào thi đua đồng bộ, hiệu quả, phát huy sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt lồng ghép công tác thi đua, khen thưởng trong các chương trình, dự án, trong hoạt động các đoàn kiểm tra giám sát, trong phân công trách nhiệm cho từng đơn vị, cá nhân. Hà Giang đã có nhiều mô hình, chương trình sáng tạo, thiết thực, đa dạng do các địa phương, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh phát động, như: Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, chương trình cải tạo vườn tạp… với cơ chế hỗ trợ hiệu quả, phù hợp, có sự chung sức, đồng lòng của người dân, cộng đồng, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đoàn cũng đề nghị Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, tăng cường biểu dương, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện từng địa phương, đơn vị, đoàn thể nhằm khích lệ, động viên phong trào. Trong đó, tiếp tục chú trọng khen thưởng, vinh danh việc nêu gương trong thay đổi tập quán, nếp sống, cách thức canh tác lạc hậu, vượt khó thoát nghèo và hỗ trợ, tương trợ hộ khác thoát nghèo.
Thông qua việc trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, Đoàn đề nghị các cơ quan, đơn vị quan tâm phát hiện, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng kịp thời đối với người nông dân, các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích đặc biệt xuất sắc theo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.
Tham quan thực tế làng văn hóa Lô Lô Chải
Trong chương trình giám sát, Đoàn đã tới tham quan thực tế làng văn hóa Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn với mô hình du lịch cộng đồng (Home Stay) của người dân tộc Lô Lô. Điểm nổi bật là lãnh đạo thôn đã tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách thức làm ăn, chuyển đổi mô hình nuôi bò sang du lịch cộng đồng, thay đổi cảnh quan, môi trường, đường nông thôn, thu hút du lịch… Thôn đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá hình ảnh, thu hút khách và các nhà đầu tư đến với địa phương, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, người dân trực tiếp thụ hưởng thành quả của mình.
Khảo sát mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi bò sinh sản của hộ gia đình anh Vừ Chá Pó, thôn Pả Vi, xã Pả Vi
Đoàn cũng tìm hiểu mô hình hỗ trợ làm nhà cho đối tượng nghèo tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc; khảo sát mô hình nuôi bò vỗ béo và nuôi bò sinh sản của hộ gia đình anh Vừ Chá Pó, thôn Pả Vi, xã Pả Vi. Nhờ triển khai mô hình hiệu quả, hộ gia đình anh Vừ Chá Pó đã chuyển từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo.
Phương Thanh