TĐKT - Trong hai ngày 28 và 29/11/2022, Đoàn Giám sát của Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Thái Bình về triển khai phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngày 28/11, tiếp và làm việc với Đoàn Giám sát có các đồng chí trong Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình: Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ; Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Bùi Xuân Vinh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động; Nguyễn Cảnh Toàn, Trưởng Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ III, Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Trưởng đoàn Giám sát phát biểu, trao đổi tại buổi làm việc với Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình
Trình bày báo cáo triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, đồng chí Nguyễn Văn Thạo, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh cho biết: Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thực sự phát triển sôi nổi, sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, thường xuyên được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo.
Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Thái Bình phát biểu tại buổi làm việc
Các chương trình giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả, người nghèo được tiếp cận thuận tiện hơn với các chính sách trợ giúp của Nhà nước, các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như các dịch vụ xã hội, khoa học và kỹ thuật; số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh, xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đoàn Giám sát trao đổi thông tin tại cơ sở sản xuất của Công ty Tân Đệ
Các cấp, các ngành đã đề ra những chủ trương, biện pháp thiết thực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào thi đua, do đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã đề ra.
Thực tế sản xuất của các công nhân may Công ty Tân Đệ
Kết quả tổng rà soát, toàn tỉnh có 15.739 hộ nghèo, tỷ lệ 2,40%, hộ cận nghèo còn 16.218, tỷ lệ 2,47%; dự kiến đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 14.389 hộ nghèo, tỷ lệ 2,19% (giảm 1.350 hộ, tương đương giảm 0,21%, hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra), 15.147 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,3% (giảm 990 hộ, tương ứng giảm 0,17%).
Đến nay, Thái Bình đã cấp 17.092 thẻ BHYT cho người nghèo và 25.173 thẻ BHYT cho người cận nghèo; thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho 19.109 lượt hộ nghèo và hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 7.300 triệu đồng. Số trẻ em học mẫu giáo thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn trưa: 1.263 lượt trẻ em, với tổng kinh phí trên 925,68 triệu đồng; 934 hộ nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 42.505 triệu đồng; 1.149 hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 53.078 triệu đồng; 6.002 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 277.536 triệu đồng; 112.000 đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí chi trả trên 360 tỷ đồng (trong đó có người nghèo và người cận nghèo). Quỹ “Vì người nghèo” các cấp đã vận động được trên 28,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây mới 417 nhà, sửa chữa 190 nhà đại đoàn kết, trị giá trên 8 tỷ đồng...
Đoàn Giám sát chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, công nhân viên Công ty Tân Đệ
Trong khuôn khổ chương trình công tác, ngày 28/11, Đoàn Giám sát đã đến thực tế mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh của Công ty Tân Đệ - đơn vị sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Việt Nam, đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Công ty luôn tạo môi trường làm việc xanh, chuyên nghiệp và thân thiện; luôn đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 18.500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 8 đến 13 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, tại Công ty Tân Đệ, người lao động được quan tâm, chăm sóc như đang ở trong ngôi nhà thứ hai của mình, được hưởng nhiều chế độ phúc lợi xã hội; được trang bị thêm nhiều thông tin, hiểu biết xã hội thông qua chương trình “hệ thống radio”...
Đoàn Giám sát thực tế mô hình của gia đình bà Nguyễn Thị Bảy
Ngày 29/11, Đoàn Giám sát cũng đã đến làm việc và thực tế mô hình thoát nghèo bền vững của bà Nguyễn Thị Bảy, ở thôn Khả Đông, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà. Mô hình chăn nuôi trang trại lợn, kết hợp trồng cây, thả cá của gia đình bà Bảy đã cho thu nhập ổn định, bền vững và ngày càng mở rộng, phát triển hơn.
Để giám sát mô hình trang trại lợn, bà Nguyễn Thị Bảy đã mạnh dạn đầu tư mô hình camera giám sát
Đoàn cũng tới thăm mô hình xưởng may mặc của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền, 46 tuổi, ở thôn Kênh, xã Tây Đô, huyện Hưng Hà. Nhờ sự trợ giúp vốn của Ngân hàng Chính sách, cộng với vốn tích cóp của gia đình, chị đã mạnh dạn đầu tư mua 20 chiếc máy may gia công.
Đoàn Giám sát thực tế xưởng may mặc của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền
Đến nay, nhờ sự chăm chỉ, năng động và uy tín, gia đình chị thường xuyên nhận được các đơn hàng may mặc ổn định. Mô hình may gia công của gia đình chị đã hỗ trợ được thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng. Hiện tại, chị đang đầu tư mở rộng thêm một xưởng may khác ở tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến hỗ trợ thêm cho nhiều chị em phụ nữ khác có công việc và thu nhập ổn định.
Nhiều ý kiến được đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, cá nhân thẳng thắn trao đổi, chia sẻ với Đoàn Giám sát
Mai Thảo