TĐKT - Sáng 26/6, tại Hà Nội, Ngày Du lịch trực tuyến 2019 với chủ đề "Xu hướng tất yếu của du lịch trực tuyến" chính thức khai mạc với sự phối hợp và đồng chủ trì của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA). Đây là sự kiện lớn hàng năm của ngành du lịch với sự tham gia của hơn 600 đại biểu trong và ngoài nước.
Diễn đàn Ngày Du lịch trực tuyến 2019
Ngày Du lịch trực tuyến 2019 là sự kiện du lịch trực tuyến quy mô lớn được tổ chức hai năm một lần (tổ chức lần đầu tiên năm 2017), tập hợp các công ty tiếp thị trực tuyến cùng với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ. Sự kiện là cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân thảo luận về các xu hướng, công nghệ và giải pháp để mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh du lịch trực tuyến.
Diễn đàn Ngày Du lịch trực tuyến 2019 gồm 4 phiên. Phiên thứ nhất với chủ đề: “Bùng nổ của du lịch trực tuyến”, phiên thứ hai: “Nắm bắt hành vi du khách online”, phiên thứ ba với chủ đề “Các dịch vụ hỗ trợ du lịch trực tuyến”, phiên thứ tư: “Nguồn nhân lực cho du lịch trực tuyến”.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2019, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 trên 30% và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ này trong những năm tới, quy mô giao dịch khoảng 8 tỷ USD. Trong đó, bán lẻ trực tuyến và du lịch trực tuyến là 2 thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Cả thế giới hiện nay đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghiệp 4.0 trong toàn bộ nền kinh tế, từ công tác quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực du lịch, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (2017), Luật Du lịch ban hành 2017 đã khẳng định ngành du lịch cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng du lịch trực tuyến nói riêng và công nghệ thông tin nói chung để từng bước thay thế hoạt động của nhiều khâu trong du lịch và dần khẳng định xu thế tất yếu của ngành du lịch.
Gần đây, các doanh nghiệp đã hình thành nên hệ thống rất mạnh mẽ về cơ sở dữ liệu như Vietravel hay Saigontourist nhằm hỗ trợ các vấn đề kinh doanh trong du lịch. Các start up khởi nghiệp trong du lịch cũng đang phát triển rầm rộ. Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp là do các thế hệ trẻ lãnh đạo và đều bắt nguồn từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào du lịch.
Theo nghiên cứu cuối năm 2018 của Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) và Oxford Economic, tỷ lệ các hộ gia đình tiếp cận du lịch trực tuyến của 12 nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thấp nhất là Ấn Độ với 34%, cao nhất là Nhật Bản 93% và Việt Nam là 66%. Tuy nhiên ở khu vực này, việc lập kế hoạch đi du lịch và đặt phòng trực tuyến đã phổ biến với 80% các tour du lịch được tổ chức sử dụng các hoạt động trực tuyến. Chất lượng thông tin của các trang web du lịch đang ngày một nâng cao, tạo điều kiện cho những người quan tâm đến du lịch truy cập ngày một nhiều hơn. Hiện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, 30% những người sử dụng internet thường xuyên truy cập các trang web du lịch.
Trong khuôn khổ Ngày Du lịch trực tuyến 2019, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ ký thỏa thuận hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch trực tuyến. Ngoài ra, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TikTok.
Phương Thanh