TĐKT - Ngay từ những ngày đầu năm, Tổng cục Thuế đã phát động thi đua đến các cấp, triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu và đã hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN).
Kết quả từ sự nỗ lực không nghỉ
Tính đến hết quý I năm 2021, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước đạt 347.346 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 8.027 tỷ đồng, bằng 34,6% so với dự toán. Thu nội địa ước đạt 339.319 tỷ đồng, bằng 31% so với dự toán, bằng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết, chênh lệch thu chi của ngân hàng nhà nước ước đạt 274.434 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán, bằng 107,2% so với cùng kỳ.
Tổng cục Thuế thi đua hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN
So với dự toán có 7/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 28%). Có 8/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ.
Số thu ngân sách trung ương Quý I ước đạt 150.500 tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán. Thu ngân sách địa phương ước đạt 196.846 tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, bằng 104,7% so với cùng kỳ.
Nếu xét theo địa bàn cả nước, có 42/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt trên 30%. Có 40 địa phương có tăng trưởng thu và có 34/63 địa phương thu đạt từ 30% trở lên.
Đáng chú ý, thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (DN nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và công thương nghiệp ngoài quốc doanh) ước đạt 191.254 tỷ đồng, bằng 32,7% so với dự toán và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức thu đạt khá so với mức thực hiện quý I của những năm gần đây.
Các khoản thu từ nhà, đất ước đạt 44.798 tỷ đồng, bằng 32,3% so với dự toán, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó thu tiền sử dụng đất ước đạt 38.916 tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ;
So với cùng kỳ những năm gần đây thì tổng thu nội địa quý I năm 2021 đạt thấp về tốc độ, tuy nhiên đạt khá về tiến độ thực hiện dự toán. Nguyên nhân chính là do tình hình kinh tế quý IV/2020 có sự hồi phục khá do dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát tốt, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã phát huy tác dụng và các DN đã tận dụng thời cơ trong nước khống chế được dịch sớm để khôi phục sản xuất kinh doanh, bù đắp cho sự sụt giảm trong những tháng bị dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản từ cuối năm 2020 đến nay tiếp tục sôi động, các địa phương tiếp tục triển khai tốt công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất và cho thuê đất nên thu từ đất đai đạt khá so với dự toán và tăng so với cùng kỳ.
Cụ thể, cơ quan thuế tập trung kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh, số lượng DN tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% DN có kinh doanh; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình hình SXKD, khai, nộp thuế của DN, xác định chính xác doanh thu làm căn cứ xác định mức thuế khoán phù hợp với thực tế kinh doanh, chống thất thu NSNN. Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 29.459 DN thành lập mới; có 11.002 DN khôi phục kinh doanh, tăng 25,3%. Đến thời điểm 19/3/3021, toàn quốc có 816.403 DN đang kinh doanh, tăng 1,1% so với thời điểm ngày 31/12/2020.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tính đến 15/3, toàn ngành Thuế đã thực hiện được 5.931 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở DN; đã thực hiện kiểm tra 79.868 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế bằng 116,69% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 6.581,11 tỷ đồng. Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 1.296,54 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 189,44 tỷ đồng; giảm lỗ là 5.095,13 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 622,57 tỷ đồng.
Cũng trong 3 tháng đầu năm, cơ quan Thuế các cấp thu nợ ước đạt 9.074 tỷ đồng, đạt 30,1% chỉ tiêu thu nợ giao. Ước đến 31/3, tổng tiền nợ thuế do cơ quan Thuế quản lý giảm 16,1% so với cùng kỳ. Nếu không kể số tiền thuế nợ đang xử lý xóa nợ và tiền thuế nợ đang khiếu nại, khiếu kiện thì tổng số tiền thuế nợ tính đến thời điểm 31/03/2021 giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Giải pháp trọng tâm đảm bảo nguồn thu ngân sách trong những tháng cuối năm
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 được dự báo là sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới sẽ là nguyên nhân chính gây cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại tại một số địa phương tác động xấu đến sản xuất kinh doanh trong nước và công tác thu nộp NSNN trong những tháng tiếp theo.
Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao, Tổng cục Thuế đã yêu cầu cơ quan thuế các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, trong đó trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ; tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN.
Cơ quan Thuế sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật thuế và các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế theo hướng bao quát được hết nguồn thu, nâng cao năng lực quản lý thuế cho cơ quan thu, phòng, chống gian lận, trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, tạo môi trường thuận lợi, rõ ràng minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.
Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác kê khai thuế của người nộp thuế; tập trung kiểm tra các tờ khai có dấu hiệu rủi ro, những lĩnh vực kinh doanh có dấu hiệu tiềm ẩn kê khai không đủ thuế, rà soát tình hình tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), cổ tức, lợi nhuận còn lại của năm 2020 để chủ động đôn đốc DN nộp số thuế TNDN, cổ tức, lợi nhuận còn lại phải nộp theo quyết toán năm 2020 và số tạm nộp thuế, phát sinh các quý đầu năm 2021 sát với thực tế của hoạt động kinh doanh. Cơ quan Thuế kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về kê khai thuế, thực hiện ấn định thuế đối với người nộp thuế vi phạm pháp luật về thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Cùng với tăng cường quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn lực tài chính cho sản xuất, kinh doanh, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, thu hồi đầy đủ số tiền hoàn thuế bị gian lận vào NSNN; tiếp tục triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả công tác hoàn thuế điện tử.
Về công tác thanh, kiểm tra, cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung thanh, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các đơn vị thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, các DN hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu, các DN được hưởng các chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế. Các DN có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; kinh doanh thương mại điện tử, các hoạt động chuyển nhượng vốn, thương hiệu, chuyển nhượng dự án...
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác chống thất thu đối với khu vực DN ngoài quốc doanh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các địa phương triển khai quyết liệt công tác chống thất thu đối các DN nhỏ và vừa, hộ, cá nhân kinh doanh nhất là tại những địa bàn trọng điểm và những lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng...
Trên cơ sở chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2021 mà Tổng cục Thuế đã giao, cơ quan Thuế các cấp sẽ tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu nợ thuế. Trong đó, trọng tâm là thực hiện phân loại các khoản nợ thuế đầy đủ để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp. Phân công, giao nhiệm vụ thu nợ đối với người nộp thuế có số nợ thuế lớn đến từng phòng quản lý, lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục Thuế, công chức quản lý nợ thuế. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ ngành liên quan như: Công an, ngân hàng, toà án, quản lý thị trường, kế hoạch đầu tư... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản tiền nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tiếp tục xử lý nợ theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị quyết số 94/2019/QH14. Phấn đấu giảm tỷ lệ nợ thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021.
Nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí cho DN khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, trong thời gian tới, ngành Thuế sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, thủ tục hành chính thuế, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DN ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực. Đăng tải kịp thời các hướng dẫn về nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế mới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Công khai tại trụ sở cơ quan thuế các cấp, trên trang thông tin điện tử ngành thuế các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt kịp thời và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.
Hồng Thiết