Tình hình cung ứng điện năm 2019
04/06/2019 - 15:14

TĐKT - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Ngô Sơn Hải cho biết điện năng là một hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất và tiêu dùng diễn ra đồng thời, người dùng sử dụng điện trước và trả tiền sau. Khi huy động các nhà máy điện phát điện, về nguyên tắc sẽ huy động các nhà máy có giá thấp phát điện trước, nhà máy có giá cao phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.

Vì đặc điểm này, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện theo các bậc thang để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân với giá điện của các bậc tăng dần (hộ sử dụng điện càng nhiều sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn).

Ở Việt Nam cũng đã áp dụng theo giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ năm 1994 đến nay (từ 1994 - 1997 áp dụng 4 bậc thang; từ 1997 - 2007 áp dụng 5 bậc thang; từ 2007 - 2011 áp dụng 6 bậc thang; từ 2011 - 2014 áp dụng 7 bậc thang; từ ngày 1/6/2014 đến nay áp dụng 6 bậc thang theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện).

Ngày 20/3/2019, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 648/QĐ-BCT  của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương ứng tỷ lệ tăng giá là 8,36%. Riêng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, mức tăng giá của từng bậc thang từ 8,33% - 8,4%.

Biểu đồ mức độ sử dụng điện sinh hoạt

Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải nhấn mạnh, hiện nay, EVN sở hữu khoảng 60% tỷ trọng công suất nguồn toàn hệ thống, bao gồm cả các công ty cổ phần, các tổng công ty phát điện.

Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, EVN giảm xuống chỉ còn sở hữu khoảng 52%; đến năm 2025 là 30% và năm 2030 còn 18%. Như vậy, trong thời gian tới, việc đáp ứng nhu cầu điện không chỉ là vai trò của EVN mà còn phụ thuộc vào các chủ đầu tư khác.

Phó Tổng Giám đốc EVN Ngô Sơn Hải

Đáng lo ngại là một số dự án của các nhà đầu tư bên ngoài EVN đang chậm tiến độ, nên việc đảm bảo nguồn cung cho tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện vẫn ở mức cao (từ 8 - 9%) là rất khó khăn.

EVN đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để có giải pháp đảm bảo điện trong thời gian tới; trong đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện.

Về phía EVN, Tập đoàn đã và đang nỗ lực tối đa đảm bảo tiến độ những dự án được giao. Cùng với đó, EVN đã kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, chính sách, cơ chế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

Hồng Thiết