TĐKT - Ngày 20/8, trong khuôn khổ buổi làm việc tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà máy Tanifood do Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư tại Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.
Cùng dự, có: Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan sở, ban, ngành tỉnh Tây Ninh…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo sau khi thăm dự án Nhà máy chế biến nông sản Tanifood
Nhà máy Tanifood là dự án đầu tiên của Lavifood tại tỉnh Tây Ninh và là một dự án trọng điểm của Lavifood trong năm 2017. Dự án này do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tanifood (thành viên của Lavifood) làm chủ đầu tư. Nhà máy Tanifood được xây dựng trên khu đất có diện tích gần 15 ha với tổng số vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng.
Với dây chuyền sản xuất tiên tiến và công nghệ hiện đại của Đức, Thụy Điển, Ý, Nhật, cụm nhà máy Tanifood sẽ là nơi sản xuất ra các sản phẩm trái cây đông lạnh, nước ép, trái cây sấy khô, sấy dẻo, nước trái cây cô đặc đạt tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia. Nhà máy Tanifood dự kiến sẽ cho ra sản phẩm thương mại đầu tiên vào cuối năm 2018.
Cụ thể, nhà máy Tanifood sẽ bao gồm dây chuyền sản xuất trái cây, rau quả tươi, xử lý nhiệt có công suất 10.000 tấn năm; dây chuyền sản xuất đông lạnh 20.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sấy khô, sấy dẻo, sấy thăng hoa 5.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước trái cây cô đặc 6.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất nước Juice bao gồm đóng lon 144 triệu lon/năm, đóng chai PET 230 triệu chai/năm, đóng chai thủy tinh 72 triệu chai/năm, đóng hộp giấy Tetrapak 144 triệu hộp/năm.
Sau khi tham quan nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Công ty Cổ phần Lavifood đã đầu tư nhà máy hiện đại, chế biến sâu để nâng cao giá trị cho ngành rau củ quả Việt Nam, nâng cao thu nhập cho nông dân Việt Nam mà cụ thể là nông dân tỉnh Tây Ninh.
Thủ tướng cho rằng, khi nhà máy đi vào hoạt động hiệu quả sẽ góp phần giải “bài toán” mà Thủ tướng “đặt hàng” đối với ngành nông nghiệp tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức mới đây, đó là trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới.
Đánh giá nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng Việt Nam cần có thêm nhiều nhà máy như Tanifood nữa để chung sức đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới, là một trung tâm logistics của thương mại nông sản toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh hỗ trợ nông dân chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong không có nguyên liệu. Cùng với đó phải đảm bảo giá cả thu mua ổn định cho người nông dân.
Bên cạnh đó, lãnh đạo nhà máy cần nghiên cứu thị trường thế giới để khi đi vào hoạt động, có thể xuất khẩu mang lại doanh thu lớn. Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Tanifood nghiên cứu nhu cầu và cung ứng sản phẩm cho thị trường 100 triệu dân trong nước; chuẩn bị các phương án phân phối giá trị hợp lý trong chuỗi giá trị để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, giúp người nông dân gắn bó với nhà máy. Trong quá trình sản xuất cần gắn với các hợp tác xã và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lavifood, sự ra đời của nhà máy Tanifood là một trong những kết quả của chương trình kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp Tây Ninh.
Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Tanifood là đơn vị dẫn dắt chuỗi, là mắt xích quan trọng tiếp cận thị trường tiêu thụ toàn cầu, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới để định hình quy chuẩn sản xuất trong các khâu tiếp theo. Đây là mô hình chuỗi giá trị từ sản xuất tới tiêu thụ với sự liên kết 6 nhà theo thông điệp được Thủ tướng nêu ra. Trong chuỗi giá trị đó, yếu tố công nghệ cao, các mô hình sản xuất, các mô hình dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân được phát triển một cách đồng bộ và đầu tư chiều sâu, gắn với chuỗi giá trị trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Ông Thắng cũng chia sẻ thêm, mục tiêu của nhà máy Tanifood khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2018 sẽ tiêu thụ 500 tấn nguyên liệu/ngày với các mặt hàng như xoài, khóm, thanh long, mãng cầu, chuối… Hiện nay, các đơn hàng của các tập đoàn lớn đối với nhà máy Tanifood đã lên đến 200 triệu USD.
Nhà máy có dây truyền sản xuất với công nghệ chế biến sâu hiện đại, thuộc tốp những nhà máy đứng đầu châu Á, đảm bảo tiêu thụ toàn bộ nguyên liệu cho nông dân của Tây Ninh tham gia chuỗi giá trị này, góp phần tránh tình trạng nông dân được mùa, mất giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân, từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2.
Nhà máy Tanifood có vị trí mặt tiền Quốc lộ 22B, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, nằm gần hệ thống đường Xa lộ Xuyên Á, dễ dàng thông thương hàng hoá đi toàn quốc và các nước trong khu vực ASEAN bằng đường bộ và tiếp cận hệ thống cảng container của TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy. Nhà máy chỉ cách TP Hồ Chí Minh một giờ xe chạy (khoảng 55 km) nên có thể sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng như cảng biển, sân bay… hiện có của thành phố.
Ngoài Tây Ninh, hiện nay, Viện Kinh tế Nông nghiệp hữu cơ đang phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam triển khai một số chương trình để tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Việt Nam, trước hết tập trung phát triển các chuỗi giá trị của HTX. Các HTX cần tái cơ cấu sản phẩm dựa trên các tiềm năng, sản phẩm chủ lực của mỗi địa phương cũng như của cả nước.
Nguyễn Hùng