Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2022 đạt 85,6% dự toán
14/09/2022 - 19:33

TĐKT - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2021; tổng chi NSNN 8 tháng đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu NSNN 8 tháng đầu năm 2022 đạt 85,6% dự toán

Cụ thể, thu nội địa đạt 81,1% dự toán, tăng 15,9%, riêng các khoản thu từ 3 khu vực kinh tế (trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh) ước đạt 76,8% dự toán, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2021 (cụ thể: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 74,9% dự toán, tăng 9,8%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,9% dự toán, tăng 3,4%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 82% dự toán, tăng 18,4%); thu từ dầu thô đạt 181,2% dự toán, tăng 98,8% so với cùng kỳ năm 2021; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 99,3% dự toán, tăng 21,5%.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu thuế bảo vệ môi trường (đạt 57,6%) và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước (đạt 50,9%).

Cũng theo báo cáo, có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt từ 68% dự toán trở lên; 49/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 14 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Tổng chi NSNN 8 tháng đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 40,3% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 62,9% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 60,9% dự toán.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Ngân sách trung ương (NSTW) đã chi từ dự phòng dự toán năm 2022 khoảng 2,4 nghìn tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hỗ trợ cho các địa phương kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp khoảng 27,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Về chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn chậm so với yêu cầu và cùng kỳ năm trước. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 13,3% so với cùng kỳ, nhưng tỷ lệ mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,6%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước đạt 14,02% kế hoạch. Có 7 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt trên 45% kế hoạch, trong khi vẫn còn 27 bộ, cơ quan trung ương và 03 địa phương tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch vốn được giao.

Cân đối NSTW và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 25/8/2022, đã thực hiện phát hành 99,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,91 năm, lãi suất bình quân 2,56%/năm.

La Giang