TĐKT - Ngày 30/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tổ chức họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu. Tổng cục Hải quan sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát việc nhập phế liệu vào Việt Nam.
Họp báo chuyên đề về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu
Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Âu Anh Tuấn cho biết, thời gian qua, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận.
Số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hơn 2 lần so với khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ là những loại phế liệu có khối lượng tăng từ 200% đến 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017.
Tuy nhiên, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nên doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam.
Về phía doanh nghiệp, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận hàng hóa là phế liệu đã góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng.
Cụ thể, số liệu container tồn tại cảng Cát Lái - TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 25/7/2018 là 3.579 container, trong đó: 30 - 90 ngày là 594 container; quá 90 ngày là 2.423 container. Số container còn lại là chưa quá 30 ngày. Số container tồn tại cảng Hải Phòng tính đến ngày 5/7/2018 là 1.485 container (trong đó 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với ngày 5/6/2018). Trong đó, 632 container tồn từ 30 - 90 ngày; 853 container quá 90 ngày.
Trước thực trạng đó, ông Mai Xuân Thành, Tổng cục phó Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa phế liệu nhập khẩu.
Để đảm bảo công tác quản lý giám sát mặt hàng phế liệu nhập khẩu thực hiện đúng quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5290/VPCP-KTTH ngày 05/6/2018 về việc quản lý chặt chẽ nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cơ quan hải quan địa phương, các đơn vị nghiệp vụ của ngành Hải quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, nhập khẩu phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Chủ động xây dựng và triển khai ngay các kế hoạch kiểm soát rủi ro, phòng, chống buôn lậu, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý đối với mặt hàng phế liệu nhập khẩu.
Đồng thời, nhằm bảo vệ môi trường, không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không tốn kém chi phí tiêu hủy đối với hàng hóa là phế liệu, chất thải đưa vào lãnh thổ nhưng không có người nhận, thực hiện đúng quy định về kiểm tra hải quan theo quy định tại Điều 31, 32, 33, 34 của Luật Hải quan năm 2014, chế tài xử lý trong Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 sửa đổi bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có công văn số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018.
Công văn này chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện các biện pháp siết chặt phế liệu nhập khẩu trong đó có biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng hóa vẫn còn trên tàu, chưa dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đáp ứng điều kiện, quy chuẩn môi trường vào lãnh thổ trên cơ sở rà soát, phân tích thông tin hàng hóa khai báo trên bản lược khai hàng hóa (manifest) trước khi hàng đến.
Song song với đó, Tổng cục Hải quan (Cục Điều tra chống buôn lậu) đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ 1/2016 đến 5/2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm.
Căn cứ kết quả điều tra xác minh và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được về vụ việc vi phạm của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt, MST: 2700784265 (Công ty Đức Đạt), xác định: Từ ngày 21/7/2017 đến 22/11/2017 Công ty Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả gồm Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu số 1094/GCN-STNMT ngày 14/9/2015 và các văn bản Thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan để nhập khẩu qua cảng Sài Gòn Khu vực 1, Khu vực 3 - TP Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 635 tờ khai với tổng khối lượng là 13.046,252 kg, tổng trị giá theo khai báo 35.537.993.380 VNĐ.
Cơ quan chức năng xác định vụ việc có dấu hiệu của tội phạm vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định tại Điều 154 - Bộ Luật hình sự năm 1999, Điều 189 Bộ Luật hình sự năm 2015 (đã được sủa đổi, bổ sung năm 2017).
Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 07/QĐ-ĐTCBL và Quyết định số 08/QĐ-ĐTCBL ngày 17/7/2018 về việc khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.
Hồng Thiết