Tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới
20/10/2017 - 14:51

TĐKT - Sáng 20/10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị triển khai Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được quán triệt tới lãnh đạo các doanh nghiệp của quân đội: Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo và kế hoạch triển khai nghị quyết này; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.

Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, từ năm 2001 đến nay, Bộ Quốc phòng đã thực hiện 5 đề án sắp xếp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lại các doanh nghiệp quân đội phù hợp với yêu cầu đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước theo nghị quyết của Đảng qua từng thời kỳ, phục vụ tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay trong quân đội, số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều, có nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ, cùng ngành nghề, hoạt động trên cùng một địa bàn. Cơ cấu doanh nghiệp chưa hợp lý. Công tác sắp xếp chưa gắn liền với công tác tổ chức lực lượng. Một số doanh nghiệp, qua thời gian dài hoạt động, để lại nhiều tồn đọng về tài chính, đến nay chưa giải quyết được. Đặc biệt, các doanh nghiệp hoạt động lưỡng dụng, xây dựng, thương mại, dịch vụ có hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về tài chính; cá biệt có những doanh nghiệp phải nợ lương, bảo hiểm xã hội của người lao động, nợ thuế...

Ở một số đơn vị, nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong tình hình mới chưa đầy đủ. Việc quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 430CT/QUTW của nhiều cấp ủy, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp chưa nghiêm; dẫn đến việc tham mưu các hình thức sắp xếp khác để tránh cổ phần hóa; chần chừ thực hiện kế hoạch của Bộ Quốc phòng. Một số cán bộ chủ trì ở các doanh nghiệp có tư tưởng kéo dài thời gian thoái vốn, cổ phần hóa. Việc lập đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp chưa lường hết các khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp...

Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: ngày 4/10/2017, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 80/TTg-ĐMDN phê duyệt Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.  Đề án này thể hiện rõ mục tiêu và quyết tâm của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Nhà nước để làm cho doanh nghiệp quân đội mạnh lên, hoạt động hiệu quả, kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa. Đây là một bộ phận thuộc nội dung sắp xếp, tổ chức lại lực lượng quân đội; là bước cơ bản để tổ chức lại doanh nghiệp quân đội, gắn sản xuất, kinh doanh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của quân đội.

Để thực hiện thành công Đề án, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao; cần tổ chức quán triệt, làm tốt công tác giáo dục tư tưởng và giải quyết chu đáo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là đối với quân nhân.

Nguyệt Hà