TĐKT - Sáng 9/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ. Đây là hội nghị có quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay với chuyên đề bàn về phân bón hữu cơ. Hội nghị do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì.
Hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ
Cùng dự, có lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thuộc Bộ; đại diện các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ban chỉ đạo 389 quốc gia; lãnh đạo các Sở Nông nghiệp, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh; Hội Nông dân Việt Nam; Hiệp hội Phân bón Việt Nam; Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; đại diện các phòng thử nghiệm, trường, viện, trung tâm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phân bón và hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón hữu cơ trên cả nước.
Phân bón là vật tư nông nghiệp đóng vai trò quan trọng và được sử dụng với số lượng lớn hàng năm để phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững. Nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại.
Tuy nhiên, hiện nay theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm).
Đánh giá về nhu cầu, thị trường sử dụng phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Chỉ tính riêng thị trường Việt Nam là rất lớn, chúng ta có 10 triệu ha đất canh tác, có hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác, nếu bình quân mỗi ha sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, chúng ta cần trong tương lai hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất.
Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ.
Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều căn cốt để chúng ta phát triển ngành này.
Năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ.
“Việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, đã đến lúc phải tập trung đồng thời các nhóm giải pháp 3 trục, từ giải pháp của chính phủ, các giải pháp của doanh nghiệp và các giải pháp khuyến khích người dân sử dụng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết: Mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới nhằm sử dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Hoàn thiện các thủ tục, văn bản pháp quy để phục vụ kiểm tra và kiểm soát chất lượng phân bón hữu cơ.
Đồng thời qua đó xây dựng ngành phân bón với cơ cấu, phân bố hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm sản xuất tập trung đáp ứng về cơ bản nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hướng tới xuất khẩu đối với một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu…
Phương Thanh