Phát triển sinh vật cảnh thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao
12/06/2017 - 00:00

TĐKT – Sáng 12/6, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Sinh vật cảnh Việt Nam nhiệm kỳ VI (2017 – 2021). Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội đã thảo luận, thông qua các báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Hội Sinh vật cảnh (SVC) Việt Nam nhiệm kỳ V (2011 – 2016); kiểm điểm tình hình thực hiện chỉ đạo “Phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao” của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ; quyết định phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ VI (2017 – 2021); bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra Hội nhiệm kỳ VI (2017 – 2021).

Nhiệm kỳ qua, Hội đã không ngừng kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Đồng thời, phát huy các nguồn lực xã hội, phối hợp với các ngành chức năng xây dựng quy hoạch phát triển SVC theo hướng trở thành một ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, một trong những nhân tố tiềm năng và hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, đưa sản phẩm SVC là đối tượng hàng hóa được ưu tiên phát triển trong quá trình thực hiện Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Đến nay, Hội có 530.100 thành viên, trong đó, hội viên chính thức được cấp thẻ là 358.127 người, sinh hoạt tại hơn 6.050 chi hội thuộc 56/63 tỉnh, thành phố, khoảng 4.600 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại lớn và hơn 150.000 gia trại, nhà vườn SVC. So với nhiệm kỳ trước, số hội viên đã tăng, chất lượng sinh hoạt của hội viên được cải thiện đáng kể.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trao tặng hoa cho đại diện Ban chấp hành Hội SVC Việt Nam nhiệm kỳ V (2011 – 2016)

Hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào xã hội lớn như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (nay là Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh), “Chung tay xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, “Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”…, các cán bộ, hội viên của Hội và nhân dân đã tích cực trồng cây, gây rừng, tạo mảng xanh thực vật nơi sinh hoạt cộng đồng, đưa cây xanh, cây cảnh vào các công sở, bệnh viện, trường học, nơi thờ tự, trồng cây chắn sóng, chống cát… Những hoạt động của Hội đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, hình thành các vùng chuyên canh với tổng diện tích sản xuất hoa, cây cảnh cả nước là 34.978 ha, cho thu nhập trung bình 285 triệu đồng/ha/năm, xuất khẩu trên 74 triệu USD, giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động thường xuyên và thời vụ.

Phát biểu tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đánh giá cao những đóng góp, thành tích của tổ chức Hội SVC Việt Nam và hội viên trong việc thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, chú trọng phát triển SVC không chỉ là ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục tình yêu thiên nhiên đất nước của con người Việt Nam; thu hút du lịch và quảng bá hình ảnh đất nước; duy trì sự đa dạng sinh học, cân bằng sinh thái, tạo môi trường sống trong lành, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị: Hội SVC Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, đẩy mạnh phong trào, hướng tới tầm cao văn hóa và hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tiếp tục là địa chỉ tin cậy để hướng dẫn, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, là nơi đại diện cho quyền lợi hợp pháp của hội viên, góp phần phát huy tốt hơn sức mạnh và những triển vọng của ngành SVC Việt Nam. Đồng thời, quan tâm tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo trong phong trào SVC trên mọi miền đất nước. Có những chương trình hợp tác, hỗ trợ thiết thực để vận động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động của Hội, nhằm nâng cao tay nghề, kỹ năng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hội cần tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám sát việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học gắn với lĩnh vực SVC; thúc đẩy việc giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế, xây dựng thương hiệu, mẫu mã hàng hóa, phát triển sản phẩm gắn với thị trường để khẳng định vai trò, vị thế của ngành kinh tế SVC và của tổ chức Hội. Các bộ, ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tiếp tục dành sự quan tâm, có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, phát triển ngành SVC gắn với phát triển du lịch sinh thái; bảo tồn và kiến tạo các không gian văn hóa, sinh thái; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm có giá trị kinh tế cao trở thành hàng hóa chủ lực trong nền kinh tế quốc gia.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 117 thành viên, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Vạn  được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2017 - 2021.

Nguyệt Hà