Phát triển năng lượng xanh, sạch, tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam
20/04/2021 - 15:09

TĐKT - Ngày 20/4, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức nhằm kiến nghị các giải pháp liên quan tới chính sách phát triển năng lượng bền vững và hướng đi cho ngành năng lượng tái tạo trong thời điểm Việt Nam có cơ hội tiếp cận nguồn FDI dồi dào.

Toàn cảnh Diễn đàn

Tại Diễn đàn, đại diện các bộ, ban, ngành, chuyên gia và nhà đầu tư đã chia sẻ các nội dung liên quan tới chính sách phát triển nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn năng lượng tái tạo, chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển bền vững, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực năng lượng trên thế giới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam cũng như các giải pháp xử lý các vấn đề sẽ gặp phải khi Việt Nam đón nhận ngày càng nhiều các nguồn đầu tư nước ngoài.

PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhận định: Hiện nay, kinh tế xanh và tăng trưởng xanh tiếp tục là xu hướng chủ đạo, thể hiện rõ nhất ở cơ cấu năng lượng thay đổi mạnh mẽ nghiêng về năng lượng tái tạo, động cơ điện thay động cơ đốt trong. Các hiệp định quốc tế của thế giới và khu vực liên quan đến vấn đề này ngày càng nhiều, trong đó có Hiệp ước về Paris về biến đổi khí hậu với mục tiêu kiềm chế tăng nhiệt độ dưới 2 độ C. Các quốc gia cam kết thực hiện các nội dung của Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, từ cam kết "hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu" đến "mục tiêu khí hậu". Xu hướng thông minh các hoạt động sản xuất nhờ vào cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng xây dựng chính phủ số, đô thị thông minh, công nghiệp và nông nghiệp thông minh, xã hội số... đang trở nên phổ biến. Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng nổ về công nghệ thông tin đang tạo ra những cơ hội mới về sản xuất phi tập trung, số hóa chuỗi giá trị, cá nhân hóa sản phẩm... làm tăng năng suất, mở rộng thị trường, tạo ra cơ hội cho đẩy mạnh sản xuất xanh và tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, còn nhiều cơ hội khác như cơ hội về đột phá trong phát triển nhờ cơ cấu dân số vàng và dân số trẻ, có khả năng thích nghi tốt với công nghệ hiện đại; cơ hội của nhiều FTA thế hệ mới mang lại khả năng tăng đầu tư cho tăng trưởng xanh; tầng lớp trung lưu đang tăng góp phần thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm, dần hình thành lối sống xanh... Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đặt ra yêu cầu về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, khát vọng vươn lên, khu vực tư nhân được chú trọng... cũng tạo ra cơ hội tốt cho tăng trưởng xanh.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đứng trước nhiều thách thức: Chất lượng nguồn nhân lực thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, năng lực khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp, thách thức thực hiện các nội dung của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu...

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn, cần nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức và việc phải làm trong thời gian tới để đổi mới mô hình tăng trưởng. Chiến lược tăng trưởng xanh cần phải tính tới những yếu tố mới của bối cảnh mới để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức. Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn tới cần phải chú ý khắc phục các khiếm khuyết của giai đoạn trước để có cơ hội thành công, trong đó, huy động nguồn lực, đảm bảo nguồn nhân lực, sự kết nối và đặc biệt là coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột quan trọng nhất của giai đoạn tới. Cần phải bổ sung các chiều cạnh xã hội và bao trùm trong Chiến lược tăng trưởng xanh.

Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho rằng, thách thức đối với chuyển dịch năng lượng bền vững vẫn còn nhiều, như: Lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn năng lượng tái tạo; chưa có đủ nguồn dự phòng và hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp năng lượng tái tạo ở quy mô lớn. Đặc biệt khó tiếp cận với các nguồn vốn rẻ và dài hạn do chính sách chưa đồng bộ, ổn định và dài hạn.

Để chuyển đổi, dịch chuyển năng lượng bền vững, bà Khanh cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ và nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành năng lượng tái tạo, hạn chế việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch. Các chính sách phát triển năng lượng tái tạo cần quan tâm cả quy mô tập trung, phân tán và tích hợp để vừa tránh xung đột về đất đai, vừa đảm bảo sinh kế và cơ hội hợp tác mới của người dân và các nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng trong chuyển dịch năng lượng; khai thông thị trường vốn ưu đãi từ quốc tế cho năng lượng sạch…

Phương Linh