BTĐKT - Sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh doanh (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản”.
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo bộ, ngành cùng với các chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học và đại diện các hợp tác xã, hiệp hội doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” là một sự kiện ý nghĩa, khẳng định những nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Diễn đàn lần này nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, chuyên gia cùng nhau tìm ra con đường phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản, đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Việc phát triển chuỗi giá trị nông sản hiệu quả là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bà Vân cho rằng, việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị - từ người nông dân, HTX đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu - là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Một số giải pháp cụ thể cũng được các đại biểu đề xuất tại diễn đàn, bao gồm việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam; sự cần thiết phải chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp bền vững…
Các đại biểu cũng lưu ý rằng, mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát triển chuỗi giá trị nông sản nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị vẫn còn lỏng lẻo, thiếu tính ổn định và chưa đạt được hiệu quả cao nhất. Để khắc phục những hạn chế này, các đại biểu đề xuất cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các chính sách của nhà nước, đồng thời cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp.
Phương Thanh