TĐKT - Trong những năm vừa qua, Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần quan trọng vào công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Có thể nói, việc ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt và là cơ sở, động lực để Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số.
Tích cực, chủ động trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình tất yếu, nhằm chuyển đổi căn bản, toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về hải quan trên môi trường số hiện đại, an ninh, an toàn. Chuyển đổi số giúp ngành Hải quan khắc phục được các tồn tại, hạn chế hiện nay trong quản lý nhà nước về hải quan, giúp xây dựng cơ quan hải quan số, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong bối cảnh mới.
Tổng cục Hải quan luôn đi đầu trong việc phát triển, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
Nhận thức được điều đó, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động, nghiên cứu nhiều công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng dụng và triển khai chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan. Dự kiến, các công nghệ của Cách mạng công nghiệp như AI, Blockchain, Big Data, IoT,... sẽ được ứng dụng và triển khai trong hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan.
Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan…
Trong đó, phải kể đến một số kết quả nổi bật như đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tạo thuận lợi thương mại, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quá trình làm thủ tục hải quan nói riêng và hoạt động xuất nhập khẩu nói chung trong thực hiện thủ tục hải quan hoàn toàn bằng phương thức điện tử (E-Declaration). Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng, cụ thể: Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%, số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%; số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm theo Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thực tế 5 năm qua, mỗi năm cán bộ, công chức Hải quan giảm từ 1,5 - 17,%. Nhờ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, việc làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. Theo đó, CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để Tổng cục Hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra.
Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 - 3 giây.
Từ năm 2012, cơ quan hải quan đã kết nối với các hệ thống CNTTcủa các ngân hàng thương mại và Kho bạc Nhà nước để thực hiện thanh toán điện tử (E-payment). Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7. Theo đó, doanh nghiệp có thể nộp tiền thuế vào mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện, kết nối internet; đảm bảo thông tin nộp tiền được thanh khoản thuế kịp thời, chính xác; giảm thời gian nộp thuế, đồng thời thông quan hàng hóa ngay sau khi nộp thuế, qua đó rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hải quan.
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan. Việc triển khai hệ thống VASSCM góp phần làm cho hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi cảng đơn giản; giảm tiếp xúc giữa hải quan và doanh nghiệp; giảm thời gian đi lại làm thủ tục của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; tạo ra sự thuận lợi, minh bạch trong quản lý điều hành công việc của doanh nghiệp. Đến nay, việc thực hiện giám sát hải quan tự động được thực hiện tại hầu hết các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Tổng cục Hải quan hiện đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm gần 91% tổng số thủ tục hành chính do Tổng cục Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.
Từ ngày 15/3/2017, Cổng thông tin tờ khai hải quan chính thức được vận hành, cung cấp thông tin tờ khai hải quan điện tử cho các bộ, ngành có liên quan để thực hiện các thủ tục về thuế, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thủ tục thanh toán qua ngân hàng và các thủ tục hành chính khác; chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan cũng như các thủ tục hành chính khác.
Từ ngày 1/7/2021, việc khai và chia sẻ dữ liệu nguồn gốc phương tiện giao thông nhập khẩu hoàn toàn thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 14650/BTC-TCHQ ngày 30/11/2020 và không thực hiện thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông đường bộ nhập khẩu. Đây là kết quả của cơ quan Hải quan trong nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Việc bãi bỏ thủ tục xác nhận tờ khai nguồn gốc, là một giải pháp đột phá về cải cách thủ tục hành chính, không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục nhập khẩu và đăng ký phương tiện mà còn tiết kiệm hàng chục ngàn giờ công mỗi năm cho ngành hải quan.
Ứng dụng CNTT toàn diện, tăng cường hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan
Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành.
Đơn cử, trong giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai trong toàn ngành các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: Quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng… Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép doanh nghiệp khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời; cho phép thực hiện các yêu cầu thanh khoản của doanh nghiệp. Nhờ áp dụng các hệ thống này, thời gian xử lý các công tác nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan tại cơ sở đã giảm đáng kể.
Hàng năm, tổng số tiền thuế thu qua hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng số thu ngân sách. Với việc triển khai hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đã đem đến những hiệu quả rõ rệt cụ thể là tăng mức độ chính xác trong công tác quản lý theo dõi nợ thuế; giảm khối lượng công việc (liên quan đến công tác kế toán; giảm chi phí hành chính cho cơ quan hải quan; tăng tính chính xác, kịp thời trong việc cưỡng chế, giải tỏa cưỡng chế đối với các lô hàng nộp thuế quá thời hạn quy định.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện
Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai Hệ thống Quản lý thông tin giá tính thuế trên phạm vi toàn quốc, đây là công cụ đắc lực giúp ngành Hải quan quản lý, theo dõi các thông tin về giá của hàng hóa xuất nhập khẩu, qua đó đề ra được các biện pháp đấu tranh chống gian lận thương mại qua giá.
Việc triển khai hệ thống Quản lý rủi ro đã mở ra một giai đoạn mới trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT, đó là giai đoạn thực hiện các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới trong thông quan hàng hóa. Cho đến nay hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ đang cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động cũng như giúp ngành Hải quan tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn. Việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro đã góp phần tạo thuận lợi thương mại đồng thời nâng cao năng lực quản lý của cơ quan hải quan.
Tổng cục Hải quan đã triển khai các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác kiểm tra sau thông quan và điều tra, chống buôn lậu, xử lý vi phạm. Các hệ thống trên đều đã được triển khai thống nhất trong toàn ngành và mang lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.
Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn ngành, Tổng cục Hải quan với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực thực hiện triển khai cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN.
Đến ngày 30/11/2021, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 235 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,5 triệu bộ hồ sơ của hơn 51 nghìn doanh nghiệp. Việt Nam đã trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Đến ngày 30/11/2021, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là: 453.098 C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 1.121.562 C/O.
Có thể nói, việc ứng dụng CNTT, phát triển hải quan số là nhân tố quan trọng, giúp cơ quan hải quan tăng cường hiệu quả quản lý, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, đồng thời là cơ sở để xây dựng hệ thống CNTT phù hợp với chuẩn mực quốc tế, hướng tới hải quan số.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu hải quan số. Trong đó, Tổng cục sẽ tập trung triển khai thành công tái thiết kế tổng thể hệ thống CNTT ngành Hải quan; xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu tập trung đáp ứng chỉ đạo điều hành xử lý nghiệp vụ phục vụ triển khai hải quan thông minh hiệu quả; hoàn thiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan... Đồng thời phát triển hệ thống quản lý nội ngành hiệu quả thông qua việc điện tử hóa tối đa các quy trình thủ tục, xây dựng môi trường làm việc hải quan điện tử, phi giấy tờ theo định hướng Chính phủ điện tử.
Hồng Thiết