Nông nghiệp vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững
27/01/2021 - 21:19

TĐKT - Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế là mục tiêu xuyên suốt, một cuộc cách mạng to lớn, lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với vấn đề hết sức hệ trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham luận tại Đại hội

Hiệu quả từ chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

5 năm qua, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã được toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ với nhiều chủ trương, giải pháp mạnh mẽ, đột phá; nhiều mô hình mới, cách làm hay, các điển hình trong lao động sản xuất đã tạo ra sự lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu.

Với sự đồng lòng, chung sức phấn đấu của cả nước, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới.

Đặc biệt khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Điều này thể hiện, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của ngành giai đoạn 2016 - 2020 đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành bình quân đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%; hết năm 2020 có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả hơn, đạt nhiều kết quả quan trọng; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa. Công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.

Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản được mở rộng. Đến nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra, đưa Việt Nam vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hàng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn. Hết năm 2020, có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 12/63 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn. Đến 15/01/2021, đã có 4 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam) được công nhận Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định: Bài học kinh nghiệm lớn, sâu sắc đúc rút cho toàn ngành nông nghiệp để có được thành tựu trên là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất cụ thể của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị; lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: Mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống người dân, quán triệt tinh thần “phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”.

Các thành quả to lớn và từ bài học kinh nghiệm nêu trên một lần nữa khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả và hợp lòng dân trong các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế

Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát của ngành nông nghiệp: “Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có” và mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48 - 50 tỷ USD. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%. Thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, tăng cường chất lượng rừng.

Để đạt được mục tiêu trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần chú trọng thực hiện, giải quyết đồng bộ, tổng thể 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư. Thông tin, dự báo tình hình thị trường, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới.

Phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân.

Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng…

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, chuyển đổi số và công nghệ viễn thám... là cơ hội để chúng ta nắm bắt các công nghệ mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp. Tư duy sản xuất nông nghiệp chỉ lấy sản lượng làm mục tiêu không còn phù hợp với xu hướng của thời đại. Thay vào đó là tư duy kinh tế thị trường, căn cứ vào quy luật cung - cầu với sự điều tiết hợp lý của nhà nước, lấy thị trường làm định hướng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển các liên kết ngang và liên kết dọc, đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình mới trong sản xuất kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu người tiêu dùng, tạo ra thêm dịch vụ, trải nghiệm mới trên chính thửa ruộng, mảnh vườn, gia tăng thêm giá trị.

Để chuyển đổi từ "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" thích ứng với biến đổi khí hậu và xu thế thị trường, tại Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đã chia sẻ kinh nghiệm của Đồng Tháp và đề xuất 5 giải pháp cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là giải pháp phát triển tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển cộng đồng dân cư, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường, lấy thị trường là tín hiệu đầu vào cho sản xuất…

Phương Thanh