Những sự kiện tiêu biểu ngành đường sắt năm 2017
24/01/2018 - 13:02

TĐKT - Năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng bằng việc chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp thiết thực, hiệu quả, ngành đường sắt Việt Nam đã ghi những dấu ấn quan trọng. Sau đây là những sự kiện tiêu biểu của ngành đường sắt Việt Nam trong năm 2017:

1. Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi) ngày 16/6/2017, với 397/403 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 98,51%). Luật gồm 10 chương, 87 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Đây là kết quả nỗ lực của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), khẳng định vai trò quan trọng của phát triển đường sắt trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là cơ sở pháp lý quan trọng để VNR triển khai chiến lược phát triển trong thời kỳ đổi mới.

Tàu khách thế hệ 3 đóng mới được đưa vào khai thác trong năm 2017 tuyến Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết

2.Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dành 7.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách cho đầu tư hạ tầng đường sắt.  Năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ thông qua gói vốn trung hạn 7000 tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng đường sắt  giai đoạn 2017 - 2021. Số tiền này sẽ được VNR sử dụng cho việc nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có, nâng tốc độ và tải trọng đồng đều trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam.

 Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chấp thuận đề xuất của VNR cấp kinh phí duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt năm sau cao hơn năm trước 1,3 lần, để đến năm 2023 đáp ứng 100% tiêu chí. Khi đó, chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ được cải thiện rõ rệt, sản lượng sẽ tăng gấp đôi khi đạt 25 đôi tàu/ngày đêm và 25 toa trên/đoàn tàu.

3.Hoàn thành đóng mới, đưa vào khai thác sử dụng 6 đoàn tàu chất lượng cao: Làm chủ công nghệ, dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, năm 2017, VNR đã hoàn thành việc đóng mới, đưa vào khai thác sử dụng 6 đoàn tàu chất lượng cao trên các tuyến Sài Gòn – Nha Trang, Sài Gòn – Phan Thiết và tuyến đường sắt Thống Nhất. Với công nghệ mới, vật liệu nhẹ, trang thiết bị nội thất hiện đại, các đoàn tàu mới được hành khách ghi nhận và đánh giá cao.

Trong năm 2017, VNR hoàn thành đóng mới 250 toa xe M container, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng cao của khách hàng. Đây là bước đột phá trong việc phát triển cơ khí trong nước nói chung và cơ khí đường sắt nói riêng, tạo  đà để hướng tới việc xuất khẩu sản phẩm cơ khí toa xe sang các nước trong khu vực ASEAN.

4.Nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm vận tải: Năm 2017, VNR triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng hướng tới khách hàng như: Cải tạo, nâng cấp nhà ga, mái che, ke ga; thực hiện chính sách giá vé, giá cước linh hoạt; đẩy mạnh vận chuyển kho – kho, cửa đến cửa; chủ động kết nối các phương tiện vận tải khác tạo thuận lợi cho khách hàng (bán vé Hà Nội – Sa Pa, Hà Nội – Cửa Lò…); thử nghiệm phần mềm lõi quản trị hàng hóa; đưa vào khai thác hệ thống soát vé tự động; thí điểm đưa suất ăn hàng không lên tàu…

5. Thu hút đầu tư, xã hội hóa đường sắt: Với mục tiêu xã hội hóa đầu tư, khai thác các công trình kết cấu hạ tầng đường sắt, nhằm gia tăng các dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng, khai thác có hiệu quả nguồn lực xã hội trong năm 2017, VNR đã ký kết hợp tác chiến lược và triển khai hiệu quả các nội dung thỏa thuận với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam… trong việc xây dựng các bãi hàng ICD Yên Viên, Sóng Thần, khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến… mở ra nhiều triển vọng hợp tác mới; thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Đảng và Chính phủ.

6. Sản lượng tấn.km tính đổi tăng 8,6 % so với cùng kỳ: Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của thị trường vận tải; vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt còn hạn chế; hoạt động kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ… song VNR đã triển khai hàng loạt các giải pháp tăng sản lượng, doanh thu; đảm bảo an toàn các mặt, an toàn giao thông đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí… Đặc biệt, năm 2017 là năm đầu tiên sản lượng tấn/km tính đổi đạt 108,6% so với cùng kỳ.

7. Tăng cường các hoạt động hợp tác, phát triển vận tải liên vận quốc tế: Từ tháng 10/2016, Hiệp định Thương mại tự do EAEU - Việt Nam có hiệu lực, mở ra cơ hội cho kinh doanh vận tải đường sắt khi hàng hóa lưu thông giữa các nước tăng cao. Nắm bắt cơ hội đó, VNR đã tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng với đường sắt các nước trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, trong năm 2017, VNR đã khai trương nhiều đoàn tàu hàng chuyên tuyến: Yên Viên – Nam Ninh (Quảng Tây – Trung Quốc), Yên Viên – Nam Xương (Giang Tây – Trung Quốc) và Hải Phòng – Khai Viễn (Côn Minh – Trung Quốc)… Các đoàn tàu này giúp đưa hàng hóa hai nước thông thương nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, tiết kiệm chi phí; hướng tới việc khai thác các luồng hàng từ Việt Nam xuất đi các nước Trung Á, Nga và châu Âu thông qua lãnh thổ Trung Quốc và ngược lại.

8. Tổ chức 30 cuộc đối thoại giữa lãnh đạo Tổng công ty, lãnh đạo đơn vị với người lao động: Năm 2017, VNR đã đầu tư nâng cấp nhiều công trình nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện khó khăn… VNR đã tổ chức thành công Hội nghị Người lao động; ký thỏa thuận về chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

 Đặc biệt, năm 2017, VNR cùng các đơn vị tổ chức 30 cuộc đối thoại trực tiếp với người lao động. Nhiều kiến nghị của người lao động về cải thiện điều kiện làm việc, thực hiện chế độ chính sách… được giải quyết kịp thời, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong toàn ngành.

Mai Thảo