TĐKT - Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phối hợp với Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức Hội thảo Giao dịch mua bán, sáp nhập (M&A): Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp.
Hội thảo có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ khối doanh nghiệp có hoạt động M&A, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, môi giới giao dịch M&A, các doanh nghiệp có dự định thực hiện hoặc đang trong quá trình thực hiện các hoạt động M&A…
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp cho các doanh nghiệp có thêm những thông tin hữu ích để hiểu đúng, nhận diện được các rủi ro pháp lý thường gặp để phòng ngừa và quản lý tốt các tranh chấp.
Các đại biểu chia sẻ ý kiến tại Hội thảo
Hội thảo được chia thành ba phiên với các nội dung chính: Cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác; giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý thường gặp; trọng tài thương mại - phương thức phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp từ giao dịch M&A; cập nhật về các xu hướng mới trong trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác.
Ngoài ra, Hội thảo cũng là diễn đàn để các luật sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực M&A và trọng tài tại Việt Nam và thế giới chia sẻ các hiểu biết của mình với doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn đặc tính của tranh chấp M&A và đưa ra các khuyến nghị để doanh nghiệp lựa chọn và sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, thị trường M&A Việt Nam diễn ra sôi động với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo thống kê, trong giai đoạn 2009 – 2018, có 4.353 thương vụ M&A, với tổng giá trị đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện.
"Tuy nhiên, mối quan tâm của các nhà đầu tư, doanh nghiệp về các rủi ro trong các thương vụ M&A ngày càng nhiều hơn, nhất là rủi ro về mặt pháp lý" - ông Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với ông Dương, ông Ho Won Lee, Chủ tịch KCAB chia sẻ: cùng với sự phát triển của thị trường, các rủi ro về mặt pháp lý cũng tăng lên – nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới đổ bể thương vụ hoặc thậm chí là các quá trình kiện tụng ồn ào và tốn kém sau đó.
Do đó, theo đại diện Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, nhà đầu tư, doanh nghiệp cần nắm bắt được vấn đề rủi ro, tranh chấp phát sinh cũng như đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp, sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để giảm thiểu chi phí, thời gian...
Còn theo ông Heehwan Kwon, Giám đốc KCAB, khi tham gia vào các thương vụ M&A, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư phải nắm bắt được những quyền và nghĩa vụ của mình. Chỉ như vậy, doanh nghiệp và nhà đầu tư mới có thể chủ động nhận diện được các rủi ro có thể xảy ra sau khi thực hiện các M&A.
"Điều quan trọng nhất là giải quyết những tranh chấp đó như thế nào để đảm bảo hài hòa, hợp lý lợi ích giữa các bên và sử dụng con đường giải quyết bằng trọng tài là giải pháp tốt nhất với nhiều ưu thế nổi trội” - Luật sư Đặng Xuân Hợp, trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh.
Hưng Vũ