TĐKT - Theo Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019" vừa được công bố chiều 21/2 tại Hà Nội, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.
Hội thảo Công bố báo cáo thường niên ngành công nghiệp gỗ Việt Nam
Báo cáo "Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019" là sản phẩm hợp tác của nhóm nghiên cứu các Hiệp hội: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends.
Báo cáo cung cấp các thông tin về thực trạng xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam nhằm phác họa bức tranh vĩ mô về các hoạt động này trong năm 2018. Đồng thời, chỉ ra các điểm mạnh, điểm yếu, rủi ro và cơ hội trong bối cảnh ngành đang hội nhập sâu, toàn diện với thị trường quốc tế; đánh giá một số xu hướng trong các hoạt động xuất, nhập khẩu của ngành trong thời gian tới; đưa ra kiến nghị một số thay đổi của ngành, nhằm góp phần thúc đẩy ngành phát triển theo hướng bền vững.
Theo báo cáo, năm 2018 được đánh dấu là một năm thành công rực rỡ của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 8,476 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017. Ba nhóm mặt hàng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất: Viên nén, dăm gỗ và gỗ dán/gỗ ghép.
TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu ngành công nghiệp gỗ Việt Nam 2018 nhận định: Ngành gỗ đang có những bước chuyển dịch tích cực ở khâu nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, nhập khẩu gỗ nguyên liệu "sạch" tăng, gỗ có nguồn gốc rủi ro giảm. Tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ vào Việt Nam năm 2018 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2017. Ba nhóm mặt hàng nhập khẩu quan trọng nhất: Gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván.
Mặc dù đang tăng trưởng mạnh, ngành gỗ vẫn còn một số tồn tại cản trở sự phát triển bền vững của ngành. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm gỗ nguyên liệu, đặc biệt là dăm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ vẫn có tỷ trọng lớn, khoảng 2,19 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ trong bối cảnh ngành đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu cho thấy các động lực trong nước vẫn chưa đủ mạnh để giữ lại nguồn nguyên liệu này phục vụ chế biến sâu.
Để tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng vào năm 2019, theo ông Tô Xuân Phúc, trước mắt, ngành gỗ cần kiểm soát chặt chẽ tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, đặc biệt là nguyên liệu từ các nguồn có rủi ro cao. Để làm được điều này, các ngành chức năng phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu nhập khẩu; phối hợp với các cơ quan chức năng của các quốc gia cung cấp gỗ nguyên liệu nhằm tiếp cận với các thông tin về gỗ nhập khẩu.
Các hội, hiệp hội cần thu nhập, chia sẻ thông tin về thực trạng của các nguồn cung gỗ nguyên liệu, khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng gỗ sạch.
Về dài hạn, ngành gỗ Việt Nam cần đi theo hướng chuyển đổi từ các sản phẩm thô sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Tăng trưởng của ngành không nên chỉ chú trọng vào mở rộng về kim ngạch thông qua việc gia tăng lượng xuất khẩu. Đã đến lúc ngành cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng về chất lượng.
Phương Thanh