Ngân hàng Nhà nước thi đua hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm
14/06/2018 - 15:38

TĐKT - Ngay từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực thi đua hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng đầu năm. Mục tiêu đưa ra: Xác định chính sách tiền tệ (CSTT)  chủ động, thận trọng, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (bình quân khoảng 4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,7%)...

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

Kết quả, mặt bằng lãi suất trong những tháng đầu năm 2018 được giữ ổn định, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm, trong đó các Ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng tốt.

Lãi suất cho vay hiện nay phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn, khoảng 9 -11%/năm đối với trung - dài hạn; đối với khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, có mức tín nhiệm cao lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ khoảng 4-5%/năm.

Trong những tháng đầu năm 2018, thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn. Trong bối cảnh đó, NHNN đã chủ động điều hành tỷ giá  trung tâm linh hoạt bám sát diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong xây dựng và triển khai sản xuất, kinh doanh, phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Đặc biệt, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối lên mức cao; niềm tin vào đồng Việt Nam được củng cố. Thị trường vàng tiếp tục diễn biển ổn định và tự điều tiết tốt.

Song song với đó, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Cụ thể, dư nợ tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm; đến ngày 31/5/2018, tín dụng tăng 6,16% so với cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, về cơ bản, các NHTM đã xây đựng xong phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, trình NHNN phê duyệt. Trong đó, các phương án tập trung chú trọng nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tín dụng khác...

Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện, và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”  ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ - TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến cuối tháng 3/2018, tổng nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD chiếm 2,18% tổng dư nợ. Tính lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 100,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42…

Kiểm tra số liệu cùng kỳ 2017 từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến 25/5/2017 so với đầu 2017, tăng trưởng tín dụng đạt tốc độ 6,53%, mức tăng cao nhất trong vòng 8 năm, kể từ 2010 (con số này tính đến hết tháng 5/2017 từ Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia là 6,8%).

Lý giải tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, việc điều hành tín dụng phải phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và kiểm soát chất lượng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Ở một lĩnh vực khác là thanh toán, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ quan này đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời, chỉ đạo hệ thống ứng dụng công nghệ vào phát triển hạ tầng kỹ thuật thanh toán và tăng cường an ninh, bảo mật, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Đến cuối tháng 3/2018, trên toàn quốc có 17.887 ATM và 278.768 POS đang hoạt động, chưa kể một số lượng lớn các giao dịch chấp nhận thẻ trực tuyến.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh thêm, việc thúc đẩy thị trường kinh doanh thương mại (TTKDTM) trong khu vực công hiện nay không ngừng được mở rộng. Công tác thông tin tuyên truyền về TTKDTM được chú trọng và phát huy hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của khách hàng trong sử dụng các dịch vụ tài chính, đồng thời cảnh báo để nâng cao an ninh, an toàn trong thanh toán như phối hợp thực hiện các game show truyền hình “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”.

Đặc biệt, trong năm 2018, công tác cải cách hành chính của ngành Ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay cho doanh nghiệp và người dân. Theo công bố mới đây của Bộ Nội vụ, ngành Ngân hàng tiếp tục đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp ngành Ngân hàng đứng ở vị trí này.

Với những thành tích đã đạt được, trong những tháng tiếp theo của năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, thận trọng, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối.

Hồng Thiết