TĐKT - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Hội nghị Ổn định kinh tế và cạnh tranh doanh nghiệp” vào sáng 15/5, tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội nghị
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá và đưa ra giải pháp, chính sách đảm bảo vấn đề kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập.
Năm 2018, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua. Chất lượng tăng trưởng và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố và từng bước được tăng cường. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế với số điểm và thứ hạng tương đối cao về ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong chương trình, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ quan điểm về những vấn đề: Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam. Thực trạng và những vấn đề đặt ra; hành lang pháp lý ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh; năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; vai trò quản trị trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; giải pháp tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay…
Trung tướng, PGS.TS. Đường Minh Hưng, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế cho rằng: Cạnh tranh có tác dụng đổi mới, thúc đẩy sản xuất, là động lực để tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, vì lợi ích mà nhiều nhà kinh doanh đã bất chấp, sử dụng các phương thức cạnh tranh không lành mạnh, đã gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.
Để tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, hành lang pháp lý ngăn ngừa và xử lý những hành vì cạnh tranh không lành mạnh đã được xây dựng, bao gồm: Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật có liên quan...
Luật Cạnh tranh 2018 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, mở rộng phạm vi điều chỉnh để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh rủi ro ngoại sinh gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở, hội nhập sâu rộng, việc xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất, các doanh nghiệp Việt Nam cần có kế hoạch ứng xử tốt, chủ động đón lường các thuận lợi, thách thức đem lại, cụ thể: Chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao năng lực hội nhập, trong đó chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết; tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển những ngành, mặt hàng có lợi thế; chủ động nắm bắt thông tin và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược hoạt động phù hợp. Tăng khả năng chống chịu đối với cú sốc bên ngoài của bản thân doanh nghiệp…
Phương Thanh