TĐKT - Với những nỗ lực không ngừng, Kho bạc nhà nước đã đạt được kết quả cao, tạo bước đột phá mới trong việc thực hiện báo cáo tài chính.
Phó Tổng Giám đốc Kho bạc nhà nước (KBNN) Nguyễn Quang Vinh cho biết, tính đến hết ngày 15/12/2019, lũy kế thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong cân đối đạt 1.414.290 tỷ đồng, bằng 100,21% so với dự toán năm 2019 được giao. Trong đó: Thu nội địa đạt 1.146.202 tỷ đồng, bằng 97,67% so với dự toán năm; thu từ dầu thô đạt 53.297 tỷ đồng, bằng 119,5% so với dự toán năm; thu từ xuất nhập khẩu đạt 332.762 tỷ đồng, bằng 110,74% so với dự toán năm.
Phó Tổng Giám đốc Kho bạc nhà nước Nguyễn Quang Vinh
Đối với chi thường xuyên, tính đến ngày 15/12/2019, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát đạt 846.353 tỷ đồng, đạt 81,2% dự toán chi thường xuyên của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Thông qua công tác kiểm soát chi NSNN, các đơn vị KBNN đã phát hiện 21.985 khoản chi chưa đủ thủ tục theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết và số tiền thực từ chối thanh toán là 79 tỷ đồng. (Dự toán chi thường xuyên năm 2019 của NSNN qua KBNN không bao gồm số tạm ứng và dự toán từ năm trước chuyển sang là: 1.042.816 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản, tính đến ngày 15/12/2019, lũy kế vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2019 kiểm soát chi qua KBNN giải ngân là 257.455,8 tỷ đồng đạt 61,8% kế hoạch chính phủ giao; đạt 60% kế hoạch Quốc hội giao.
Chính những nỗ lực ấy đã giúp KBNN thu được kết quả khả quan.
Thứ nhất, về thu NSNN, năm qua KBNN đã thực hiện cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thu, thực hiện thu trực tuyến theo dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4. Kết quả: Đến 15/12 thu đạt 100,21% dự toán được giao. Đến thời điểm hiện nay, thu ngân sách Trung ương (NSTW) mới đạt 96%, một số địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Do đó, thời gian còn lại đến 31/12, KBNN sẽ cùng các cơ quan phấn đấu đạt tổng thu tối thiểu vượt 5%; phấn đấu thu NSTW và thu ngân sách của từng địa phương sẽ đạt dự toán.
Thứ hai, về chi NSNN, KBNN tiếp tục cải cách, hiện đại hóa công tác kiểm soát chi với điểm nhấn là đã đưa dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 áp dụng cho tất cả các đơn vị dự toán có giao dịch với KBNN tỉnh và KBNN thị xã, quận.
Đối với giải ngân và chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), ông Vinh đánh giá tính đến ngày 15/12 đạt 61,8%, đây là một chỉ tiêu không cao. Trên cơ sở kiểm soát chi của gần 120 nghìn đơn vị dự toán trên toàn quốc, đã tổng hợp thống kê đầy đủ các nguyên nhân khách quan và chủ quan để báo cáo với Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đã tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP để thúc đẩy phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2019. Qua theo dõi của KBNN, Nghị quyết này đã đi vào cuộc sống và đang có chuyển biến tích cực. KBNN dự báo đến 31/1/2020 là hết thời điểm thanh toán vốn đầu tư thuộc niên độ ngân sách năm 2019 sẽ giải ngân trên 88% cho đầu tư XDCB.
Thứ ba, đối với quản lý ngân quỹ có nhiều cải cách. Một trong những cải cách quan trọng, đột phá của KBNN đó là hình thành nên một tài khoản duy nhất. Cuối ngày, tất cả tiền gửi của KBNN nằm rải rác tại các ngân hàng thương mại sẽ về 0, tức là số dư chuyển hết về Ngân hàng Nhà nước. Khi chuyển về, mang lại một số lợi ích như: Hỗ trợ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Kết quả cụ thể là có nguồn ngân quỹ nhàn rỗi chủ động điều hành, KBNN đã tham mưu và Bộ Tài chính ban hành Thông tư giảm chi phí tạm ứng tồn ngân cho NSTW cũng như ngân sách địa phương (NSĐP) từ 0,15%/tháng xuống còn 0,1%/tháng. Cùng với tiết kiệm lãi suất tạm ứng bội chi, tính sơ bộ, tiết kiệm này của Kho bạc cho NSTW và NSĐP là trên 2.600 tỷ đồng. Đồng thời, dùng nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi gửi có kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại tạo nên thặng dư và đã nộp NSNN được 5.000 tỷ đồng. Đây cũng chính là năm đầu tiên KBNN có thặng dư và nộp về ngân sách 5.000 tỷ đồng.
Thứ tư, đối với công tác huy động vốn năm 2019, KBNN cũng có nhiều đổi mới. Đặc biệt KBNN đã bám sát tình hình tồn ngân của NSTW cũng như tiến độ thu vào NSNN. KBNN đã thường xuyên điều chỉnh các kỳ phát hành. Khối lượng phát hành đầu năm giao là 307 nghìn tỷ đồng, KBNN đã trình Bộ điều chỉnh giảm nhiệm vụ huy động vốn trong năm 2019 nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí lãi vay cho NSNN. Tính đến 15/12/2019, KBNN đã huy động được hơn 229.400 tỷ đồng, đạt số lượng phát hành. Lãi suất giảm so với năm 2018 là 0,2% và kỳ hạn dài hơn là xấp xỉ 1 năm.
Thứ năm, năm 2019 là năm đầu tiên KBNN thực hiện báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN). Việc thực hiện BCTCNN này rất công phu, tổng hợp từ 53 nghìn đơn vị trên toàn quốc. Đây là một khâu đột phá. Theo thống kê, hiện nay trên toàn thế giới mới có khoảng 25 quốc gia có BCTCNN và BCTCNN này thực hiện chuẩn theo thông lệ quốc tế.
Thứ sáu, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, KBNN tiếp tục đẩy mạnh tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể, đã sáp nhập 15 KBNN thành phố vào KBNN cấp tỉnh. Có nghĩa từ năm 2019, KBNN tỉnh thực hiện giao dịch với tất cả các đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh, không còn đơn vị cấp huyện nằm trên địa bàn; đồng thời giảm cấp phòng từ 7 phòng xuống 5 phòng. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị giảm 3 phòng; tổng số giảm là 128 phòng, đạt 28%.
Thứ bảy, về cải cách hành chính (CCHC), năm 2019, KBNN đẩy mạnh CCHC ở tất cả các khâu chuyên môn nghiệp vụ và được Bộ Tài chính đánh giá là 1 trong 2 đơn vị đi đầu trong ngành tài chính về tiến độ thực hiện CCHC.
Phát huy thành tích đã đạt được, năm 2020, KBNN sẽ tiếp tục tăng cường kỳ hạn phát hành, giảm lãi suất phát hành và kéo dài kỳ hạn danh mục còn lại của trái phiếu. Cùng với đó, KBNN sẽ bám sát tình hình diễn biến thị trường để tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ cho phù hợp.
Hồng Thiết