Khai mạc “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018
13/06/2018 - 17:45

TĐKT - Ngày 13/6, tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, Sở Công thương Hà Nội phối hợp tổ chức Khai mạc “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018”.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang là hoạt động thiết thực để vải thiều Lục Ngạn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap với chất lượng cao được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và khẳng định thương hiệu đến đông đảo người tiêu dùng Thủ đô.  Qua đó giúp đỡ, tạo điều kiện, giúp bà con nông dân huyện Lục Ngạn thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ vải.  

“Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội năm 2018 sẽ kéo dài đến hết ngày 20/6.

Sản phẩm vải thiều được bày bán tại Big C Thăng Long

Tại Lễ khai mạc, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội khẳng định: Sở Công thương Hà Nội sẵn sàng phối hợp với tỉnh Bắc Giang cũng như huyện Lục Ngạn trong công tác tiêu thụ vải thiều trên địa bàn thành phố Hà Nội, các tỉnh, thành khác và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội hỗ trợ, giúp bà con nông dân vùng vải Lục Ngạn tiêu thụ sản phẩm một cách tốt nhất; trong đó có hệ thống siêu thị Big C.

Các sản phẩm được chế biến từ trái vải được giới thiệu đến người tiêu dùng Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội

Hiện nay, diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn là 15.200 ha với tổng sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 100.000 tấn; trong đó diện tích vải sản xuất heo tiêu chuẩn VietGAP là 11.400 ha. Vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hội nhãn hiệu tập thể; Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn. Hiện, vải thiều Lục Ngạn được xuất khẩu sang thị trường trên 30 nước, trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Dubai, Hà Lan, Thái Lan.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Năm nay là năm được mùa nhất từ trước đến nay, do thời tiết thuận lợi và bà con nông dân rất tích cực nên chất lượng vải thiều được đánh giá cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh sản lượng lớn, thị trường chưa có nhiều đổi mới so với mọi năm thì thị trường tiêu thụ cũng có một số khó khăn. Việc tổ chức xúc tiến thương mại vải thiều được tổ chức ngay từ đầu và triển khai thực hiện rất tốt, Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Hà Nội chỉ là một hoạt động trong một chuỗi xúc tiến thương mại. Qua đây, tiếp tục phát triển thị trường có sẵn đồng thời tìm được một số thị trường mới.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn chia sẻ với báo chí

Mặc dù vậy, theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, việc tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn vẫn gặp một số khó khăn trong liên kết chuỗi sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ chưa bền vững, chưa có nhiều doanh nghiệp liên kết cùng với các hợp tác xã, bà con nông dân của huyện Lục Ngạn.

UBND huyện Lục Ngạn mong muốn, trong thời gian tới Nhà nước sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt liên kết chặt chẽ các chuỗi giữa hợp tác xã, người dân để khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, sản phẩm nông sản là sản phẩm tươi, do đó thời gian bảo quản tự nhiên rất ngắn, đề nghị các cơ quan nhà nước có chính sách ưu tiên; tìm ra công nghệ bảo quản sau khu hoạch để bảo quản được vải thiều nói riêng và các hàng hóa nông sản khác nói chung để đưa sản phẩm đến được đến các địa phương xa vùng trồng như Mỹ, các nước châu Âu.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông cũng cũng là vấn đề còn nhiều hạn chế. Theo ông Bình, năm 2018, bình quân có 3 - 5 nghìn tấn vải thiều ra khỏi huyện trong một ngày, đây là số lượng lớn, trong khi đó hạ tầng giao thông rất chật hẹp và xuống cấp, thời gian chuyển sản phẩm ra khỏi địa bàn rất lâu, ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Do đó, UBND huyện mong rằng sẽ có đầu tư bài bản, hệ thống, hiện đại để từ khâu thu hoạch đến vận chuyển, chế biến một cách thông thoáng, giúp bà con nông dân tiêu thụ dễ dàng và nâng cao giá trị của sản phẩm.

Mai Thảo - Phương Thanh