Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước năm 2018
29/03/2019 - 11:05

TĐKT - Ngày 28/3, Bộ Tài chính đã tổ chức buổi họp báo chuyên đề về “Kết quả tái cơ cấu, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước năm 2018”. Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngô Chí Tùng và Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến đồng chủ trì buổi họp báo.

Quang cảnh họp báo

Thông tin về tiến độ, tình hình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến cho biết, tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.

Về tình hình cổ phần hóa, trong năm 2018, đã có 23 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 31.706 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 16.739 tỷ đồng.

Lũy kế giai đoạn 2016 – 2018, đã có 159 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.275 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.024 tỷ đồng.

Về kết quả thoái vốn, năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 8.640 tỷ đồng, thu về 19.618 tỷ đồng. Lũy kế giai đoạn 2016 - 2018, cả nước đã thoái được 22.064 tỷ đồng, thu về 165.956 tỷ đồng. Việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Như vậy, về cơ bản tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại còn chậm, chưa đạt được theo kế hoạch đã đề ra. Việc chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao, dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp chính: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017, Nghị quyết số 60/NQ-QH14 của Quốc hội, tạo sự nhất trí cao trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hơn nữa nhận thức và có hành động quyết liệt, cụ thể trong thực hiện.

Về phía các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý.

Đặc biệt, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện đúng tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ.

Hồng Thiết