TĐKT - Ngày 17/11, tại Hà Nội, Cục Tin học và Thống kê Tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn IEC đồng tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 (VDF-2022) với chủ đề “Thúc đẩy Chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính”.
Nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế được đề cập tại Hội thảo - triển lãm VDF 2022.
Hội thảo - Triển lãm VDF - 2022 có sự hiện diện của đại diện các cơ quan của Quốc hội; Chính phủ; các bộ, ngành; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đại diện các hiệp hội; đại diện một số trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và kinh tế số; lãnh đạo các đơn vị Tổng cục thuộc Bộ Tài chính, lãnh đạo phụ trách CNTT và thống kê của các hệ thống; đại diện các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Tài chính có triển khai ứng dụng CNTT; đại diện một số đơn vị thuộc các cơ quan Tài chính địa phương; các tổ chức quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO)...
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Đại Trí cho biết, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Điều này lại một lần nữa lại được khẳng định rõ nét tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030.
Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược, kế hoạch sau này, cụ thể như Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
Cũng theo đại diện Ban Tổ chức, trong thời gian qua, toàn ngành Tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, qua đó đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Với những kết quả đạt được, qua 7 năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2019, Bộ Tài chính liên tục dẫn đầu trong bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT (Vietnam ICT index) khối các bộ, cơ quan ngang bộ. Đặc biệt, theo Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số năm 2020 và 2021 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ nhất hai năm liên tiếp trong các bộ cung cấp dịch vụ công về mức độ chuyển đổi số. Kết quả này cho thấy, ngành Tài chính đang tiên phong, chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số.
Để tiếp tục duy trì các thành tích đạt được và thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.
“Tôi mong rằng Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý Ngân sách Nhà nước (Vietnam Digital Finance) năm 2022 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo cao cấp trong ngành Tài chính với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ngành Tài chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh.
Với tinh thần đó, trong khuôn khổ của Hội thảo - Triển lãm VDF - 2022, các diễn giả, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong và ngoài nước sẽ dành cả ngày để tập trung trao đổi, thảo luận về hai chủ đề chính của Hội thảo, gồm: Chuyên đề 1: Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước; chuyên đề 2: Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội thảo là những kinh nghiệm hết sức quý báu để ngành Tài chính có thể chủ động và tận dụng tốt các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch, hình thành hệ sinh thái tài chính số đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức. Đồng thời, các nội dung trao đổi ngày hôm nay sẽ góp phần đề xuất những quan điểm mới, những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá góp phần xây dựng hệ sinh thái tài chính số công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả.
Với các kết quả đạt được, với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, các ý kiến tại Hội thảo đều đồng thuận khi cho rằng, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong việc tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh các Phiên Hội thảo chuyên đề, Triển lãm VDF - 2022 còn có các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.
Hồng Thiết