Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt”
20/11/2019 - 11:52

TĐKT – Vừa qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt”. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Hầu A Lềnh tới dự.

Hội thảo nhằm tìm kiếm những ý tưởng, mô hình mới, cách làm hay, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, sự sáng tạo và nguyện vọng được cống hiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời, giúp Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đưa ra được các đề xuất, giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào thực chất, hiệu quả và bền vững, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu thị trường quốc tế.

Hội thảo khoa học “Liên kết - Hành động vì hàng Việt”

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết: Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) và vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Cuộc vận động và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn, mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó là tốc độ thâm nhập thị trường và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hoá sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam.

“Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt được kỳ vọng như mong muốn” - ông Thân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình chia sẻ ý kiến tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra rằng: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình đã chia sẻ về mô hình bán lẻ D-mark của công ty. Đây là cách làm mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của đơn vị trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đóng góp quan trọng, nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam trong mỗi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, ông Đường cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngày một lớn đối với các doanh nghiệp Việt, có nhiều dấu hiệu tương đối rõ, cho thấy họ đang đi đầu trong xu hướng bán lẻ mới. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chiếm trên 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như tín dụng, mặt bằng sản xuất, thị trường… Có một nguy cơ được dự báo đối với hàng hóa sản xuất trong nước về sự suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt.

Trước cơ hội và thách thức, sức ép cạnh tranh lớn về sản xuất, thương mại hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, để người tiêu dùng trong nước tin và yêu thích dùng hàng Việt, thì các doanh nghiệp, người sản xuất cần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh; chú trọng xây dựng thương hiệu hàng Việt, có chất lượng cao, giá thành hạ, tính cạnh tranh lớn, chinh phục được người tiêu dùng Việt Nam, chiếm lĩnh thị trường trong nước, từng bước thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế. Đó vừa là động lực, vừa là mục tiêu hướng đến của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Đường nhấn mạnh: Muốn Cuộc vận động đạt được hiệu quả cao nhất, công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng từ người đứng đầu địa phương, Hội Người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên… Bởi người tiêu dùng mới là người quyết định, họ không chỉ tạo điều kiện để hàng hóa, doanh nghiệp Việt có chỗ tiêu thụ sản phẩm, tạo giá trị kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp và các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều giải pháp và đề cao tính liên kết trong việc mở rộng hệ thống bán lẻ, tiêu thụ sản phẩm thương hiệu Việt tới tay người tiêu dùng. Theo nhiều đại biểu, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy của doanh nghiệp và nhà quản lý; nâng tầm chất lượng, sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, EU, Nhật, Mỹ; xây dựng chuỗi sản xuất, từ sản xuất tới tiêu thụ. Cùng với đó, cần xây dựng được những doanh nghiệp, tập đoàn lớn để làm xương sống phát triển hàng Việt một cách chuyên nghiệp, hệ thống, toàn diện.

Hưng Vũ