TĐKT - Ngày 5/11, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam.
Hội thảo góp ý Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện Việt Nam
Báo cáo tại Hội thảo, PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Đề án cho hay, để thực hiện Đề án, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu kinh nghiệm định giá điện của các nước đang phát triển như Malaysia, Thái Lan và các nước phát triển như Pháp, Hàn Quốc, Úc.
Qua đó, rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam. Cụ thể, biểu giá bậc thang tăng theo mức tiêu dùng lũy tiến vẫn được sử dụng phổ biến đối với hộ sinh hoạt; các hộ tiêu thụ phải trả đầy đủ các chi phí của hệ thống điện; giá điện của các nước cũng luôn được điều chỉnh để đảm bảo phản ánh đúng chi phí cung ứng điện khi giá các nhiên liệu đầu vào thay đổi…
Tư vấn viên cũng đã phân tích tổng quan sản lượng/doanh thu/giá bán điện từ năm 2016 - 2018. Qua đó cho thấy, giá điện chỉ tương đương giá thành bình quân; tổng doanh thu chỉ tương đương tổng chi phí. Chính vì vậy, việc cân bằng tài chính cho ngành điện không đảm bảo, không có nguồn lực để phát triển hệ thống điện.
Tại Hội thảo, tư vấn viên cũng đã đưa ra các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho 4 hộ sử dụng điện: Sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt.
Trong đó, với hộ sinh hoạt, Đề án đưa ra 3 phương án gồm: Cơ cấu biểu giá bậc thang 5 bậc, 4 bậc và 3 bậc. Ở mỗi phương án, tư vấn viên đã phân tích, đánh giá tác động cụ thể đối với các hộ tiêu dùng.
Cũng theo đơn vị tư vấn, cả 3 phương án đều không gây tác động nhiều đến hộ tiêu dùng, xã hội và doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ. Trong đó, phương án 5 bậc phù hợp với các đặc thù sử dụng điện của Việt Nam hiện nay cũng như mức thu nhập của từng nhóm đối tượng.
Tư vấn viên cũng đề xuất nên luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện bằng các văn bản pháp lý của các cấp có thẩm quyền, công khai chu kỳ điều chỉnh giá. Thời điểm điều chỉnh nên lựa chọn theo mùa, đồng thời tránh các thời điểm nhạy cảm, có sự thay đổi đột biến về sản lượng. Kỳ đề xuất điều chỉnh là 1/3 và 1/9 hàng năm. Bên cạnh đó, có phương án điều chỉnh bất thường khi có sự biến động lớn về giá nhiên liệu trên thị trường dẫn đến sự thay đổi đáng kể về chi phí sản xuất và mua điện.
Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao kết quả của Đề án Nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện; đặc biệt là các đề xuất như: Luật hóa cơ chế điều chỉnh giá điện, áp dụng biểu giá điện sinh hoạt 5 bậc thang…
Sau buổi Hội thảo, đơn vị tư vấn xây dựng nội dung Đề án sẽ tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia phản biện và các ý kiến khác tại Hội thảo để hoàn thiện, tiến tới trình báo cáo Bộ Công thương xem xét.
Hồng Thiết