Hòa giải thương mại: Lựa chọn hiệu quả cho giải quyết tranh chấp
19/06/2020 - 12:23

TĐKT - Ngày 19/6, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế Việt Nam (VICMC) tổ chức Hội thảo “Hòa giải thương mại: Lựa chọn hiệu quả cho giải quyết tranh chấp” tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và Hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (gọi tắt là VAW2020).

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp xây dựng, các luật sư đến từ các công ty/văn phòng luật sư lớn, các trọng tài viên, hòa giải viên cũng như các cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, hội thảo cũng thu hút được hàng trăm lượt theo dõi qua kênh trực tuyến của sự kiện tại https://www.facebook.com/viac.vn/.

Hội thảo được chia thành 2 phiên xoay quanh những nội dung chính: Hòa giải thương mại tại Việt Nam – Bức tranh hiện tại và  tương lai của hòa giải thương mại tại Việt Nam.

Phiên đầu tiên đã giúp các đại biểu tham dự có cái nhìn khái quát về thực trạng hòa giải thương mại tại Việt Nam. Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại ra đời cùng với Bộ luật tố tụng dân sự 2015 với Chương 33 về Thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển dịch vụ hòa giải thương mại với tư cách là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại độc lập; tạo hành lang pháp lý thống nhất trong việc khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng dịch vụ hòa giải. Trong 3 năm qua, hòa giải thương mại đã bắt đầu được doanh nghiệp lựa chọn để sử dụng. Theo thống kê đến từ VMC, Trung tâm đã nhận 7 đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại với tổng trị giá tranh chấp lên đến hơn 1.000 tỷ đồng tập trung trong các lĩnh vực hàng hải, xây dựng và sở hữu trí tuệ.

Phiên thứ hai của Hội thảo đưa đến cho đại biểu tham dự những hình dung bước đầu về tương lai của hòa giải thương mại tại Việt Nam. Các chuyên gia đã chia sẻ về các xu hướng chính trong hòa giải thương mại trên thế giới thời gian tới, trong đó có cơ chế liên thông hòa giải - trọng tài và giải quyết tranh chấp trực tuyến. Sự ra đời của Công ước Singapore về hòa giải năm 2019 đã tạo bước ngoặt trong hòa giải thương mại quốc tế, là nền tảng cho hợp tác đa phương và thương mại quốc tế. Cùng với đó, cơ chế hòa giải đối thoại ngoài tòa án đang được đẩy mạnh tại Việt Nam cũng mang đến nhiều thách thức cho hòa giải thương mại. Tuy nhiên, cơ hội cho hòa giải thương mại là rất lớn, bao gồm việc nhận thức về hòa giải của cộng đồng sẽ tăng lên, thị trường về hòa giải nói chung sẽ được mở ra... Các trung tâm hòa giải thương mại cần phải biết cách tận dụng các cơ hội này để phát triển hơn trong tương lai.

Phương Linh