TĐKT - “Hải quan – doanh nghiệp: Kết nối, chia sẻ, đồng hành” chính là chiến lược phát triển hải quan đến năm 2020 theo Quyết định 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011 và các Kế hoạch cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan (các giai đoạn 2011-2015; 2016 - 2020) và đã được Tổng Cục Hải quan chia sẻ tại buổi tọa đàm ngày 21/6.
Cho đến nay, Tổng cục Hải quan đã hình thành bộ máy tổ chức về phát triển quan hệ đối tác, đưa công tác này trở thành công việc thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp. Hoạt động đối tác đã tích cực tham gia xây dựng sự hiểu biết đồng thuận, đồng hành giữa cơ quan hải quan và cộng đồng doanh nghiệp.
Quang cảnh tọa đàm
Với phương châm lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác, đồng hành, cơ quan hải quan các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động đối tác với cộng đồng doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.
Các hoạt động đối tác trong những năm gần đây đã có sự đổi mới về cách làm, đi vào chiều sâu, thiết thực và gắn bó với doanh nghiệp. Cụ thể, cơ quan hải quan các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc tổ chức các hội nghị doanh nghiệp theo chuyên đề, qua đó thu hút đúng đối tượng doanh nghiệp đến tham gia, tập trung đi vào các vấn đề thời sự mà doanh nghiệp quan tâm.
Các cuộc đối thoại từng bước được chuyển biến về cách thức tổ chức, nội dung đối thoại, thực sự trở thành công cụ hữu ích trong việc giải quyết các bất đồng giữa các bên. Các cuộc tham vấn giữa hải quan - doanh nghiệp được tổ chức đi vào các nội dung cụ thể, hướng đến các nhóm đối tượng với sự tham gia của các bên liên quan. Kết quả tham vấn được thông tin đầy đủ đến các bên liên quan, từ đó xây dựng sự tin cậy trong hoạt động tham vấn.
Tính trong năm 2017, cơ quan hải quan đã tổ chức 53 hội nghị doanh nghiệp, 89 cuộc đối thoại định kỳ với người khai hải quan, người nộp thuế về nhiều chủ đề thời sự: Thủ tục hành chính công trực tuyến, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean, hoạt động giám sát cảng biển đối vói doanh nghiệp kinh doanh cảng; chuẩn hóa thông điệp, dữ liệu quy trình trao đổi thông tin, phân loại hàng hóa, xử lý vi phạm hành chính...
Hoạt động tham vấn doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều điển hình tích cực. Cục Hải quan Quảng Ninh đã tổ chức 17 buổi tham vấn, với nhiều ý kiến đóng góp và giải pháp phù hợp thực tiễn cho sửa đổi Thông tư 38/2015/TT-BTC. Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức 125 lượt tham vấn. Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh với khoảng 500 lượt tham vấn.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành: Với mong muốn hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cơ quan hải quan đặc biệt quan tâm đến công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan hải quan lấy phương tiện thông tin đại chúng là công cụ thường xuyên truyền tải thông tin một cách nhanh nhất đến doanh nghiệp, với nòng cốt là cổng thông tin điện tử của cơ quan Hải quan các cấp, báo Hải quan kết hợp với báo, đài Trung ương và địa phương.
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng có nhiều đổi mới. Bên cạnh việc tiếp nhận, hỗ trợ, giải quyết vướng mắc tại trụ sở cơ quan hải quan, nhiều địa phương, tỉnh thành cả nước đã chủ động đến với doanh nghiệp, tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để từ đó có phương án hỗ trợ doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Tại các địa bàn đặc thù, cơ quan hải quan đã chủ động biên tập tài liệu hướng dẫn, dịch ra tiếng nước ngoài, phát tờ rơi đến doanh nghiệp làm thủ tục, giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt quy định, chính sách, pháp luật, tuân thủ đúng pháp luật.
Từ kiến nghị của phía doanh nghiêp, cơ quan hải quan đã điều chỉnh tăng cường các buổi tập huấn, hướng dẫn xuống cơ sở, đưa hoạt động tập huấn, hướng dẫn gần với doanh nghiệp hơn, trực tiếp đến với người làm thủ tục.
Tính trong năm 2017, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện 16.353 tin, bài; phối hợp thực hiện 574 phóng sự truyền hình; biên tập, in ấn, phát hành 14.617 tờ rơi, tờ gấp về pháp luật hải quan, tổ chức hàng chục lượt tập huấn, hướng dẫn ở cả cấp trung ương và địa phương.
Cùng với việc thúc đẩy và tăng cường hoạt động quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong những năm qua, Tổng cục Hải quan đặc biệt quan tâm thiết lập quan hệ đối tác thường xuyên với hiệp hội doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động, tích cực và sẵn sàng hợp tác với cơ quan hải quan để xây dựng lực lượng nòng cốt trong quan hệ đối tác với cộng đồng doanh nghiệp.
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước, cơ quan hải quan đã ký bản thỏa thuận hợp tác với 232 doanh nghiệp để xây dựng đối tác thường xuyên làm lực lượng nòng cốt trong hoạt động đối tác hải quan - doanh nghiệp.
Để quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất, cơ quan hải quan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia hợp tác với cơ quan hải quan trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng và đóng góp cho cơ quan hải quan.
Trong đó, doanh nghiệp nói chung và các hiệp hội doanh nghiệp nói riêng cần tăng cường kết nối và chia sẻ với cơ quan hải quan qua các kênh thông tin hiện có, tích cực đóng góp ý kiến, hiến kế các giải pháp cho cơ quan hải quan.
Hồng Thiết