Hà Nội hướng đến mô hình hoạt động kinh doanh taxi văn minh, hiện đại
31/08/2017 - 14:30

TĐKT - Ngày 29/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức giao ban báo chí nhằm thông tin về dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội.

Mô hình hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi xuất hiện tại Hà Nội từ năm 1993 đến nay. Có thể nói, hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội trả lời câu hỏi của báo chí

Tuy nhiên, trong thời gian qua, vận tải hành khách bằng xe taxi đang bộc lộ nhiều bất cập: hoạt động của xe taxi phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, chưa kể số lượng đáng kể của các tỉnh lân cận và xe “dù” đến hoạt động thường xuyên trên địa bàn thành phố, trở thành một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông tại một số tuyến phố trong giờ cao điểm.

Chất lượng cung ứng dịch vụ thấp, bao gồm: chất lượng xe, chất lượng lái xe; quản trị doanh nghiệp; giá dịch vụ cao và ít thay đổi so với biến động của thị trường, cao hơn so với chất lượng cung ứng dịch vụ; chưa tạo được hình ảnh văn minh, văn hóa trong nếp sống, đi lại trên địa bàn Thủ đô.

Trong khi Thủ đô và đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ mới và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành, vận tải hành khách bằng xe taxi, đòi hỏi Nhà nước và TP Hà Nội cần có một quy định quản lý để hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, đáp ứng yêu cầu khách quan của phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh, hiện đại.

Theo ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, mục đích ban hành Quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình vận tải này.

Cụ thể: nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ vận tải hành khách của loại hình taxi đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân đô thị giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị; quản lý số lượng, chất lượng xe taxi với mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố; ứng dụng khoa học, công nghệ trong việc quản lý, điều hành giao thông của thành phố; tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh; tạo dựng nếp sống, thói quen đi lại theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với sự phát triển đô thị của Thủ đô.

Hiện tại, dự thảo Quy chế Quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP Hà Nội có 3 chương và 13 điều. Trong đó có những quy định rõ về: số lượng xe taxi, lái xe taxi, đơn vị kinh doanh taxi, hành khách đi xe taxi, tổ chức hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, tăng số lượng xe taxi hàng năm và đấu giá quyền khai thác, kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi.

Đáng chú ý, trong dự thảo quy chế đưa ra quy định đấu thầu quyền khai thác, kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe taxi. Đây là một nét mới nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh taxi tham gia và bảo đảm được quyền lợi cho họ. Ngoài ra, trong dự thảo quy chế cũng đề cập đến việc sẽ áp dụng phần mềm vào để quản lý hoạt động của taxi. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội sẽ xây dựng một trung tâm điều hành chung để cho khách hàng có thể gọi được xe một cách nhanh nhất trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo Đề án quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND thành phố phê duyệt, thì đến năm 2020, số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố là 25.000 xe. Thực tế, đến thời điểm này, trên địa bàn Hà Nội có 19.265 xe taxi thuộc quản lý của 77 doanh nghiệp.

Hưng Vũ