Giao thương kết nối cung - cầu sản phẩm Hà Nội và các tỉnh, thành phố
06/11/2017 - 10:37

TĐKT – Ngày 3/11, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao thương, kết nối cung - cầu sản phẩm giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2017.

Tham dự Hội nghị, có hơn 500 đại biểu là lãnh đạo trung ương, các tỉnh, sở, ngành và gần 400 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây là hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội, góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa hàng năm và Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.

Các doanh nghiệp tham gia ký kết tiêu thụ sản phẩm địa phương

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, nhằm tăng cường hợp tác giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông nghiệp; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh liên quan, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị của thành phố thực hiện tốt chương trình giao thương, kết nối cung – cầu và đạt được kết quả tích cực.

Các hoạt động liên kết, giao thương đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực giữa các sở, ngành, đơn vị của Hà Nội với các sở, địa phương của các tỉnh, thành phố. Từ đó, giúp các doanh nghiệp sản xuất chủ động được lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ, ổn định được đầu vào và đầu ra, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng”.

Quy hoạch được vùng sản xuất để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cung ứng cho thị trường, nhiều hàng hóa đã truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có thế mạnh của các tỉnh được các doanh nghiệp phân phối lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ về thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói, chất lượng sản phẩm để đưa vào các kênh phân phối hiện đại, góp phần ổn định chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân hàng tháng, năm; thúc đẩy tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hóa - doanh thu dịch vụ nhất là tổng mức bán lẻ trên thị trường.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về cách thức liên kết, giao thương, gắn kết các vùng sản xuất với phân phối để phát triển kinh tế địa phương. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá: chương trình giao thương, kết nối cung cầu là giải pháp quan trọng, đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, nhờ liên kết chặt chẽ có thể điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung và ổn định giá.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá cao vai trò của Hà Nội trong kết nối hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố. Hà Nội không chỉ là trung tâm bán lẻ mà còn là trung tâm bán buôn, đưa hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài. Xu hướng hiện nay là thương mại điện tử. Nếu Hà Nội phát triển được trang thương mại điện tử có uy tín, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định thì sẽ giúp thương mại phát triển tốt nhất, không chỉ cho thành phố mà còn cả các tỉnh, thành phố khác.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng phản ánh, trong quá trình tìm kiếm nguồn cung, các doanh nghiệp phân phối của Hà Nội gặp nhiều khó khăn, nhất là khi cần số lượng hàng lớn với chất lượng bảo đảm, đồng đều. Hơn nữa, sự phối hợp của các địa phương đôi khi chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường, cho nên công tác triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường cho các doanh nghiệp chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...

Đại diện các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị đều bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới các tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, doanh nghiệp đến tìm hiểu và đầu tư, kết nối giao thương với các doanh nghiệp của tỉnh.

Tại Hội nghị, đã có 400 biên bản ký kết, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố. Dự kiến giá trị hàng hóa của các tỉnh, thành phố đưa về địa bàn Hà Nội trong dịp Tết Dương lịch 2018 và Tết Mậu Tuất đạt gần 25.500 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2016. Giá trị hàng hóa cho cả năm 2018 khoảng gần 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội).

Thục Anh