TĐKT - Chiều ngày 21/12, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Được biết, thời gian gần đây, hoạt động xuất nhập khẩu tại các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc xuất hiện tình trạng ùn tắc lượng lớn hàng hóa chờ xuất khẩu mà theo số liệu tổng hợp và đánh giá thì tập trung chủ yếu tại các địa phương có hoạt động thông thương lớn với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Họp báo chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc”
Hiện nay, trên toàn tuyến biên giới đất liền của Việt Nam – Trung Quốc đã mở 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu song phương, 21 cửa khẩu phụ, 37 lối mở biên giới. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam và Trung Quốc đều thực hiện theo phương thức điện tử và phân luồng xanh, vàng, đỏ giống nhau.
Hải quan Trung Quốc thực hiện công tác giám sát hải quan tại cửa khẩu, lối mở, thực hiện các công tác giám sát tại hiện trường như giám sát phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, kiểm tra bảng kê hàng hóa; kiểm tra, giám sát, kiểm dịch, kiểm nghiệm giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm...
Đối với hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định, người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy suất nguồn gốc (kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy suất,...). Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế (kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, xe chở container cũng như bao bì hàng hóa trên xe, các biện pháp kiểm dịch gồm: Lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để kiểm tra, xét nghiệm; tiến hành khử trùng công đoạn bốc dỡ hàng hóa trên container nhập khẩu; thực hiện phun khử trùng phòng dịch đối với container rỗng trong lúc lau dọn, bốc xếp hàng hóa), Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông thủy sản nhập khẩu như: Chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, xét nghiệm Covid-19, rút ngắn thời gian đóng – mở cửa khẩu,...
Việc ùn tắc hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là nông sản tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn (Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma) và tỉnh Quảng Ninh (Móng Cái).
Trước tình hình đó, cơ quan Hải quan đã đưa ra một số giải pháp ứng phó, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới có thể xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát phục vụ phòng chống dịch Covid -19, Tổng cục Hải quan đã có công điện số 14/TCHQ chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới thực hiện các giải pháp như: Thứ nhất, khẩn trương tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung qua cửa khẩu biên giới; thứ hai, bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ. Thứ ba, phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Công an để điều tiết giao thông cho xe ra vào, không bị ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp; thứ tư, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về thủ tục hải quan và chính sách hàng hóa của phía nhập khẩu và tuyên truyền phố biến cho doanh nghiệp; thứ năm, khuyến khích và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai báo hồ sơ hải quan điện tử từ chiều hôm trước để đầu giờ sáng hôm sau đã hoàn thiện hồ sơ để thông quan ngay hàng hóa…
Để kịp thời có giải pháp đồng bộ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng xấu do việc ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu gây thiệt hại kinh tế do phía Trung Quốc thắt chặt quản lý tại các cửa khẩu như tình hình nêu trên, Tổng cục Hải quan chủ động chỉ đạo đơn vị trực thuộc bám sát diễn biến hiện tượng ùn tắc hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc để thực hiện các giải pháp phù hợp như bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục ngoài giờ hành chính, tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp xuất khẩu và phối hợp các lực lượng Biên phòng, Công an điều tiết giao thông cho xe ra vào nhằm hạn chế ùn tắc tại các cửa khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, nông sản, trái cây tươi qua các cửa khẩu. Đồng thời, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ tình hình và đề xuất Bộ có ý kiến kiến nghị một số nội dung với các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao.
Hồng Thiết