Đồng hành với nông dân vùng cao nâng tầm thương hiệu quế hồi Việt Nam
13/04/2021 - 09:36

TĐKT - Với bà con dân tộc Tày, Dao, Nùng… ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam Vinasamex như ngôi nhà thứ hai của họ, nơi đã cho họ động lực phát triển vùng nguyên liệu quế, hồi. “Điều tự hào và hạnh phúc nhất của tôi là đã hướng được doanh nghiệp đi theo con đường phát triển bền vững.” - Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex.

 

Chị Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex

Vinasamex được thành lập năm 2012, với sứ mệnh đồng hành cùng bà con dân tộc tăng thu nhập và nâng cao đời sống từ sản phẩm quế, hồi và cung cấp đến các nhà nhập khẩu toàn cầu các sản phẩm quế, hồi organic chất lượng cao trong phân khúc cao cấp. Đến thời điểm hiện tại, Vinasamex đã xây dựng được các vùng nguyên liệu quế tại Yên Bái, Văn Bàn (Lào Cai), vùng nguyên liệu hồi tại Lạng Sơn…, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều bà con dân tộc thiểu số.

Ít ai biết được rằng trên thế giới hiện nay chỉ có 5 nước trồng quế, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt hơn, chỉ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất trên thế giới may mắn sở hữu cây hồi. Diện tích trồng hồi ở Việt Nam vào khoảng 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn; còn diện tích trồng quế lên tới 80.000 ha, tập trung chủ yếu ở Yên Bái và Quảng Nam.

 

Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất quế hồi tại thôn 5, xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái.

Chị Nguyễn Thị Huyền kể lại: “Quế, hồi là cây trồng lâu năm và là nguồn thu chủ lực của bà con dân tộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn. Tuy nhiên, vào năm 2007, cửa khẩu khu vực Lạng Sơn chất đầy những đống vỏ quế trên các xe tải đang chờ xuất sang Trung Quốc. Bị thương lái Trung Quốc ép giá, không biết bán cho ai, cũng không thể trở về tay trắng, tư thương người Việt đành ngậm ngùi chấp nhận bán rẻ. Không đành lòng chứng kiến cảnh bà con nông dân bị thương lái ép giá, năm 2012, vợ chồng tôi quyết định khởi nghiệp kinh doanh bằng việc thu mua quế, hồi xuất khẩu ra nước ngoài. Công ty Vinasamex có trụ sở ở Gia Lâm, Hà Nội được thành lập từ đó.”

Năm 2015, vợ chồng chị bắt tay vào công việc khó nhất là thuyết phục và đào tạo nông dân trồng quế theo quy trình hữu cơ. “Nhưng khó khăn không nằm ở nguyên tắc không hóa chất, bởi ở vùng núi nghèo nông dân vốn đã không có tiền để mua phân bón với thuốc trừ sâu. Vấn đề nằm ở chỗ, thói quen cắt tỉa, thu hoạch và chế biến truyền thống của người dân tộc thiểu số lại đi ngược với cách làm hữu cơ.” - Chị cho biết. Việc nuôi trồng quế, hồi của người dân nơi đây chủ yếu là tự phát. Chủ yếu họ vẫn khai thác theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác bừa bãi, thiếu quy hoạch, quản lý, bảo tồn, khiến nguồn quế, hồi không đạt được năng suất tốt nhất.

 

Vinasamex đi đến từng thôn, bản, làng, xã tại Yên Bái truyền những kinh nghiệm cũng như hướng dẫn bà con nuôi trồng hữu cơ.

Để tạo niềm tin cho bà con, mới đầu chị phải nhờ đến cơ quan chính quyền vận động và định hướng. Công ty cử chuyên gia hàng đầu đào tạo kỹ thuật trồng và canh tác quế, hồi, bao gồm: Trồng, chăm sóc, thu hoạch đảm bảo theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế… cho các hộ nông dân; đưa các hộ nông dân và diện tích trồng quế, hồi có nguyện vọng làm theo tiêu chuẩn hữu cơ vào chuỗi hữu cơ của Vinasamex.

Công ty và nông dân tiến hành thành lập hợp tác xã, cam kết bao tiêu, mua sản phẩm với giá cao, để họ không vướng phải nỗi lo bị tồn hàng hay chịu cảnh được mùa - mất giá. Có hợp đồng với Vinasamex, nông dân không chỉ được đảm bảo đầu ra với giá bán cao hơn so với giá thị trường mà còn nhận được những hỗ trợ khác như những bao tải mới, công cụ thu hái giúp bà con an toàn hơn, những phần quà khích lệ động viên những hộ dân nghèo và những chương trình khác nữa. Ðời sống bà con dần được cải thiện, họ tin tưởng và đồng hành với Vinasamex cùng đưa giá trị sản phẩm quế, hồi lên tầm cao mới.

Sau khi cùng nông dân phát triển vùng nguyên liệu, đến năm 2017, Vinasamex được cấp chứng nhận hữu cơ quốc tế của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Cuối năm 2017, công ty có thêm một số chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS). Sản phẩm quế, hồi của Vinasamex còn đạt được chứng nhận Fair Trade (thương mại công bằng) và For Life (công ty có trách nhiệm xã hội).

Tính đến 25/2/2020, vùng nguyên liệu của công ty tập hợp được 1.349 hộ trồng hồi, quế tại Lạng Sơn, Yên Bái và Lào Cai với tổng diện tích hữu cơ lên đến 1.600 ha. Đến nay, Vinasamex đã có nhà máy rộng 15.000 m2 với hệ thống máy móc hiện đại.

Hiện sản phẩm từ quế, hồi của Công ty đang được xuất khẩu đến nhiều quốc gia: Ấn Độ, Đức, Hà Lan, Ý, Nga, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Pakistan, Bangladesh…

Mục tiêu của Vinasamex trong 5 năm tới là sẽ tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất organic, củng cố vị trí đầu tàu trong ngành quế, hồi xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu quế, hồi Việt Nam trên thị trường thế giới và dần dần đứng đầu trong ngành sản xuất gia vị Việt Nam.

Nguyệt Hà