Doanh nghiệp Nhà nước tăng cường sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau
15/08/2022 - 09:20

TĐKT – Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), 3 năm qua (2020 – 2022), các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị thuộc khối doanh nghiệp Nhà nước đã và đang tăng cường ưu tiên sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau. Cụ thể, trong 3 năm, có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.

Đó là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần làm chuyển biến rõ nét việc tạo thói quen dùng hàng Việt của người Việt; kích thích mở rộng sản xuất, tiêu dùng trong nước; tăng tỷ lệ nội địa hóa, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; mở rộng thị trường… góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ông Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ của Đảng ủy Khối cho biết: Giai đoạn 2020 – 2022, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp đã hưởng ứng các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện CVĐ, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, thực hiện nghĩa vụ đóng góp an sinh xã hội.

Các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, thương mại điện tử, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp; phát triển các kênh phân phối đảm bảo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người sử dụng với chất lượng, giá cả phù hợp. Nhờ đó, dù bị tác động khó khăn của dịch bệnh Covid-19 nhưng hàng hóa Việt Nam vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước trước bối cảnh hạn chế xuất nhập khẩu nguyên, vật liệu, sản phẩm; tạo việc làm cho người lao động; giữ vững và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường. Nhiều thương hiệu sản phẩm, dịch vụ của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối đã được Bộ Công Thương công nhận là “Thương hiệu quốc gia” và vươn tầm ra nhiều nước trên thế giới, được đông đảo bạn hàng, đối tác, người tiêu dùng ưa thích. Qua đó, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ về thương hiệu, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Các doanh nghiệp nhà nước ký kết hợp tác, sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau trong giai đoạn tiếp theo

Cuộc vận động được các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối triển khai hiệu quả thiết thực. Trong 3 năm, có 24/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đã ký kết 149 lượt thỏa thuận, hợp tác sử dụng dịch vụ, sản phẩm của nhau, với 1.543 hợp đồng đã ký kết, tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.403 tỷ đồng.

Từ 2020 đến nay, toàn Khối có 170.820 công trình, sáng kiến, giải pháp từ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trị giá gần 711.400 tỷ đồng; tiết kiệm, làm lợi cho doanh nghiệp, đơn vị hàng nghìn tỷ đồng. Đã có 191.331 dự án, công trình, sản phẩm, dịch vụ thuộc 20/38 doanh nghiệp, đơn vị trong Khối sử dụng vật tư, nguyên liệu trong nước trong mua sắm, đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào, với tổng giá trị hơn 944 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Agribank Trần Văn Thịnh, bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Đảng ủy Khối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đảng ủy Agribank thường xuyên quán triệt, tuyên truyền trong Đảng bộ và toàn hệ thống tổ chức triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều giải pháp được áp dụng phù hợp đặc thù hoạt động kinh doanh.

Ông Trần Văn Thịnh chỉ rõ, trong tổng số gần 1,4 triệu tỷ đồng dư nợ Agribank cho vay nền kinh tế, vốn đầu tư “Tam nông” chiếm tỷ trọng khoảng 65% và cao nhất toàn hệ thống tổ chức tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Agribank tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nông, lâm, thủy hải sản... đã và đang đóng góp quan trọng vào thúc đẩy quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ các mặt hàng mang thương hiệu Việt thay thế hàng nhập khẩu, nhất là hoàn thiện, nâng hạng, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế các sản phẩm OCOP, VIETGAP... góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và đóng góp lớn trong tổng GDP hàng năm, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đỗ Văn Chiến thực tế các sản phẩm dịch vụ của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc

Hiện thực hóa chủ trương các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, Agribank đã chủ động, tích cực thực hiện thỏa thuận hợp tác với hầu hết các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị trong Khối có vị thế chiến lược của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong và ngoài Khối như VNPT, Vietnam Airlines, Tập đoàn Cao su Việt Nam, MobiFone, Tổng công ty Điện lực miền Nam…với mục tiêu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, đồng thời cùng hợp tác để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp Việt cung cấp cho khách hàng.

Ông Chu Quang Hào, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, hòa chung vào dòng chảy kinh tế số, Bưu điện Việt Nam đã triển khai hàng loạt các dịch vụ số và xây dựng hệ sinh thái số mang tính nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia dựa trên lợi thế được Chính phủ giao quản lý và cung cấp dịch vụ phủ rộng 63 tỉnh, thành trên toàn quốc với hơn 52 nghìn lao động, 13.000 điểm phục vụ, trải rộng đến tận địa bàn xã, biên giới, hải đảo trong cả nước.

“Tính đến thời điểm này, sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã thu hút và triển khai được 4.028.978 hộ có gian hàng số trong đó khoảng 2.700 sản phẩm OCOP, với hơn 6 triệu lượt khách hàng thường xuyên mua sắm tương tác với sàn, hàng triệu giao dịch đã được thực hiện thành công tương ứng với hàng triệu sản phẩm đã đến tay người tiêu dùng trên cả nước thông qua Postmart.vn và dịch vụ chuyển phát TMĐT của Bưu điện Việt Nam”, ông Chu Quang Hào thông tin.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, thời gian tới, Bưu điện Việt Nam và Sàn TMĐT Postmart.vn tập trung xây dựng kế hoạch và phân chia các sản phẩm được kiểm định đạt tiêu chuẩn Vietgap, Global Gap, thu hút thêm các doanh nghiệp chọn lựa sàn là kênh phân phối chính theo mô hình B2B, đẩy mạnh kênh tiêu thụ nội tỉnh và cận vùng để gia tăng khả năng tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh tham gia trên sàn thương mại điện tử, nhằm thay đổi tư duy và nhận thức về việc kinh doanh trong xu thế xã hội hiện đại ngày nay, thay thế dần phương pháp bán hàng truyền thống.

Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Đỗ Văn Chiến: Để phát huy tiềm năng, lợi thế của doanh nghiệp Nhà nước góp phần thúc đẩy, dẫn dắt đối với các thành phần doanh nghiệp khác trong vận động đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Việt, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đẩy cần mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, người lao động và toàn thể đoàn viên công đoàn trong toàn Khối ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân; các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công, trang thiết bị văn phòng, văn phòng phẩm trong nước sản xuất…coi đó là thể hiện lòng yêu nước, là nét đẹp trong văn hóa doanh nghiệp.

“Phải xác định cuộc vận động muốn thành công thật sự thì chất lượng hàng hóa, dịch vụ phải được nâng lên, phù hợp với thị hiếu người Việt; đồng thời giá cả phải cạnh tranh tương đương với hàng hóa dịch vụ khác, chính sách hậu mãi phải tạo tiện lợi cho người tiêu dùng; kiên quyết đấu tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến, cần tăng cường triển khai các chương trình hợp tác, trao đổi với các đơn vị trong và ngoài Khối, đồng thời thường xuyên cập nhật và công bố thông tin về tiêu chuẩn, giá cả, chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước đến công chúng, cán bộ, công nhân viên, nhất là những loại hàng hóa, sản phẩm liên quan trực tiếp đến đời sống người lao động như: Lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu….

Cùng với đó, Đảng ủy Khối cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, đề xuất biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ở các mức độ khen thưởng khác nhau; suy tôn, tôn vinh các doanh nghiệp, cá nhân có nhiều thành tích để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và tạo nên sức mạnh của toàn dân trong triển khai Cuộc vận động./.

Mai Thảo