TĐKT - Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam lần 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0”. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 5. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tới dự và phát biểu.
Phát biểu tại Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn. Đặc biệt ý nghĩa hơn nữa khi tại Diễn đàn có sự xuất hiện của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, đặc biệt là 87 nông dân Việt Nam xuất sắc - là những người quan trọng quyết định sự thay đổi của bộ mặt ngành nông nghiệp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: tại Diễn đàn, các bộ, ngành có liên quan cần phải giải đáp những thắc mắc rất cụ thể cho người nông dân; giải quyết các vướng mắc về vốn, nhân lực, về thị trường, công nghệ cũng như đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp 4.0.
Tại Diễn đàn, bốn nhà (nhà nông, người làm chính sách, chuyên gia và doanh nghiệp) đã cùng thảo luận về các chủ đề: lợi ích nông nghiệp 4.0; gỡ rào cản về công nghệ, nhân lực cho nông nghiệp 4.0; những thách thức từ thị trường, vốn đối với nông dân khi làm nông nghiệp 4.0. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ứng dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nông dân đã được đưa ra bàn bạc, thảo thuận và tìm hướng tháo gỡ.
Các đại biểu cho rằng, cả thế giới và Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn gọi là công nghiệp 4.0, sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới.
Diễn đàn “Nông dân sẵn sàng với nông nghiệp 4.0”
Đối với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, bản chất của Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là áp dụng thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hoá quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống và làm giàu cho người nông dân.
Nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: giá trị sản xuất và giá trị gia tăng đã tăng liên tục trong thời gian dài; sản lượng hàng hóa đang ngày càng lớn, xuất khẩu tăng trưởng với mức độ cao, thu nhập và đời sống của người nông dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam thời gian qua chủ yếu vẫn theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... Việc ứng dụng các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn rất ít. Vì thế, mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị thấp, hiệu quả sự dụng đất đai và tài nguyên chưa cao.
Hiện nay cả nước đang có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ. Muốn phát triển nông nghiệp thành công, không thể dựa vào thực tế trên, phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp và một trong các giải pháp đó là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cuộc cách mạng 4.0.
Một số đại biểu khẳng định, để bước vào nông nghiệp 4.0, người nông dân không chỉ cần vốn, tìm kiếm thị trường mà còn phải chuẩn bị cho mình cả nhân lực có năng lực để vận hành những thiết bị hiện đại và tìm kiếm cho mình công nghệ phù hợp. Câu chuyện nhân lực ở đây là nông dân phải tham gia các khoá học để nâng cao kỹ năng, tính kỷ luật và tự đào tạo bằng cách học hỏi kinh nghiệm thành công của người khác.
Có đại biểu cho rằng, phát triển nông nghiệp theo phong trào 4.0 thì nhà nước và người sản xuất cần quan tâm đến 3 điều kiện cần và một điều kiện đủ. 3 điều kiện cần đó là: cần có hành làng pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải dành cho người quản lý, hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận; cần cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất; cần cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường.
Một điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và tâm huyết với nông nghiệp. Sở dĩ, như chúng ta đã biết, làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải có bản lĩnh.
Mai Thảo