Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ
24/12/2020 - 18:02

TĐKT - Sáng 24/12, tại Hà Nội, Báo An ninh Thủ đô phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Diễn đàn An ninh tài chính tiền tệ". Diễn đàn nhằm làm rõ tầm quan trọng của vấn đề đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ đối với quốc gia và doanh nghiệp, tiếp tục đề xuất để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp.

Tiến sĩ Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô phát biểu khai mạc Diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Tiến sĩ Chu Quốc Dũng, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô nhận định: Bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay mang lại một số cơ hội, nhưng kèm theo đó là rất nhiều thách thức cho công cuộc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang đối mặt với bất ổn kinh tế vĩ mô, đe dọa đến an ninh tài chính, hệ thống tài chính xuất hiện nhiều rủi ro lớn; một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phục hồi, tuy nhiên rủi ro tiềm ẩn đến an ninh tài chính vẫn còn, đặc biệt là nợ công, nợ nước ngoài.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, phân tích: Diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 đã, đang và sẽ là thách thức lớn với triển vọng phục hồi kinh tế năm 2020 - 2021, nhiều quốc gia và khu vực đã chính thức rơi vào suy thoái kinh tế. Theo dự báo tháng 10 và 12/2020 của IMF và WB, tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm (-4% đến -4,4%), tuy nhiên mức giảm ít hơn dự báo tháng 6/2020 (-5,2%), song vẫn là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1930. Bên cạnh những khó khăn do suy thoái kinh tế, rủi ro bất ổn tài chính toàn cần là vấn đề đáng quan ngại trong bối cảnh nợ công và nợ tư tăng nhanh, nợ xấu tăng, nguy cơ đảo chiều nay giảm sút dòng vốn ngoại...

Đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ được hiểu là việc duy trì được sự ổn định và lành mạnh tài chính trong quá trình vận hành của thị trường và hoạt động của các định chế tài chính, trên cơ sở đó, giảm thiểu và hạn chế được rủi ro trên thị trường và hệ thống tài chính. Đảm bảo an ninh tài chính đang ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tự do hóa kinh tế - tài chính đang diễn ra nhanh và mạnh như hiện nay.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo TS. Cấn Văn Lực, đánh giá tổng thể cho thấy mức độ rủi ro hệ thống tài chính Việt Nam và khả năng chống chịu các cú sốc, bất ổn tài chính bên ngoài của Việt Nam ở mức trung bình - khá. Dù vậy, Việt Nam cần vận dụng linh hoạt mô hình 5Rs, theo dõi, đánh giá, lượng hóa các tác động tiêu cực đối với ổn định hệ thống tài chính và có giải pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, cần có chiến lược, giải pháp để hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý và các định chế tài chính (nhất là năng lực phân tích, dự báo, kiểm soát rủi ro hệ thống), phát triển đồng bộ thị trường tài chính cùng với nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, hạ tầng tài chính - ngân hàng và đa dạng hóa sản phẩm - dịch vụ, công cụ điều tiết vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đại Lai, nguy cơ khủng hoảng tài chính không loại trừ bất cứ quốc gia, tổ chức nào. Rủi ro khủng hoảng tài chính thường bắt nguồn và có liên quan trực tiếp đến rủi ro tín dụng, đặc biệt là rủi ro từ các hoạt động tín dụng bất động sản và chứng khoán hóa tài sản có của các ngân hàng thương mại. Vì vậy, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần tuân thủ đúng và đầy đủ các bước trong quy trình cho vay, không ngừng đào tạo và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ năng lực cũng như khả năng thẩm định, đánh giá của các nhân viên tín dụng. Bảo đảm sự chặt chẽ và chính xác ngay từ khâu đầu tiên của quá trình cho vay và suốt quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng là phương pháp phòng chống rủi ro hiệu quả nhất.

Phương Thanh