TĐKT - Ngày 6/10, tại Hội trường Công ty TNHH Yamaha motor Việt Nam, Khu công nghiệp Nội Bài ( Sóc Sơn, Hà Nội), Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất (KCN - CX) Hà Nội phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tổ chức Tọa đàm “Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt tại các khu công nghiệp”, với sự tham gia của gần 300 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thủ đô.
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tính đến tháng 6/2020, Hà Nội có 19 KCN - CX và 13 cụm công nghiệp với hơn 665 dự án, trong đó có 344 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng số lao động là 160.7901, trong đó lao động nước ngoài là 1.210.
Việc tổ chức buổi Tọa đàm “Đẩy mạnh chi tiêu không dùng tiền mặt tại các Khu công nghiệp” khuyến khích người lao động thay đổi thói quen thanh toán, đưa ra những giải pháp hữu ích cho người sử dụng, giới thiệu những sản phẩm vừa thỏa mãn yêu cầu của người sử dụng, vừa đem lại ích lợi cho nhà cung cấp. Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động của tổ chức công đoàn xuất phát từ nhu cầu thực tế của đoàn viên, người lao động, là ví dụ cụ thể chứng tỏ sự đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn trong bối cảnh mới.
Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Tọa đàm
Ông Trần Duy Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn cho biết: “Thông qua Tọa đàm, đơn vị tổ chức mong muốn truyền thông góp tiếng nói để các đoàn viên, người lao động thích nghi với những thay đổi cần thiết trong xã hội, phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt trước sự tác động và can thiệp nhanh, mạnh của khoa học - công nghệ, trong đó chi tiêu không dùng tiền mặt đang trở thành một xu hướng có tính tất yếu đã được cụ thể hoá bằng chủ trương của Chính phủ được triển khai đồng loạt trong các cơ quan ban, ngành và địa phương.”
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã diễn ra trên quy mô toàn cầu, không riêng ở Việt Nam và trở thành thời điểm tiên quyết để mọi ứng dụng trên nền tảng công nghệ có cơ hội trỗi dậy, từ đó tiến trình “chi tiêu không tiền mặt” được hiện thực hóa nhanh hơn tại Việt Nam.
Trong quá trình hiện thực hóa này, người tiêu dùng là trọng tâm để hướng tới các dịch vụ, không chỉ là dịch vụ công, dịch vụ xã hội mà ngày càng trở nên thiết thực, tiện ích thay thế dần những thói quen chi tiêu, mua sắm truyền thống theo cách dùng tiền mặt như từ trước tới nay.
“Bên cạnh những tác động tiêu cực, nếu nhìn một cách lạc quan thì dịch Covid-19 cũng có những tác động tích cực khi đã thúc đẩy chúng ta ứng dụng công nghệ một cách nhanh chóng, quyết liệt vào quản lý, điều hành, giải quyết công việc; nhiều phương án làm việc như làm việc từ xa, làm việc tại nhà… được đưa ra mà vẫn đảm bảo được hiệu quả. Đặc biệt, để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, việc chi tiêu không tiền mặt trong các giao dịch thời gian qua cũng được thúc đẩy và trong cộng đồng tập trung đông người như các doanh nghiệp thì việc chi tiêu không tiền mặt rất cần được phát triển”, đại diện Ban quản lý KCN - CX Hà Nội chia sẻ.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh Đông Anh chia sẻ: “Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử và đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng và các bộ ngành liên quan, thanh toán không dùng tiền mặt đã dần trở nên phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội. Từ việc trả lương cho người lao động, đóng BHXH, nộp thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa, thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, mua bán hàng hóa, dịch vụ… cho đến việc nộp phạt của các doanh nghiệp, cá nhân đều được thực hiện thông qua hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán điện tử. Các tiện ích thanh toán của các ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian cung cấp cho người dân và doanh nghiệp ngày càng đa dạng, tiện lợi và an toàn, giúp cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí.…
Với vai trò tiên phong đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong gần 30 năm qua, VCB cùng với nhiều ngân hàng bạn trong hệ thống ngân hàng đã từng bước đưa được các tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt vào đời sống, vào các hoạt động hàng ngày của người dân và toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt một trong những chủ trương và chương trình lớn của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo thống kê thì tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay vẫn là rất khiêm tốn, để cải thiện được thì cần rất nhiều giải pháp từ Chính phủ, NHNN, các ngân hàng thương mại, tổ chức trung gian thanh toán và đặc biệt là sự hưởng ứng của toàn thể người dân trong xã hội.
Nhiều công nhân lao động được nhận quà tặng tại chương trình
Buổi Tọa đàm với sự tham gia chia sẻ của các đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng điện tử như Vietcombank, Agribank, Ví điện tử Momo và GS. Lê Thẩm Dương, cùng những hướng dẫn trải nghiệm thực tế đã mang đến cho đoàn viên, người lao động các thông tin, những kinh nghiệm về quản lý đồng tiền; cách sử dụng những ứng dụng thanh toán điện tử hữu ích, hạn chế giao dịch tiền mặt... giúp đoàn viên, công nhân, lao động có kế hoạch chi tiêu hiệu quả, tránh tối đa những rủi ro do khó khăn đem lại, hướng đến một cuộc sống ổn định, hài hòa trong điều kiện hiện tại. Điều này không chỉ có lợi cho bản thân người lao động mà còn đem lại lợi ích cho cả nền kinh tế.
Ngoài ra, tại chương trình, đã có nhiều phần quà hấp dẫn, bổ ích được trao cho người tham dự với sự tài trợ của nhãn hàng Asanzo, Ví điện tử Momo và Ngân hàng Vietcombank.
Hưng Vũ