Đầu tư, đổi mới ngành mía đường theo hướng công nghệ tiên tiến
04/05/2018 - 15:28

TĐKT - Sáng 4/5, tại Hà Nội, Hiệp hội Mía - Đường Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2022.

Đại hội Hiệp hội Mía – Đường Việt Nam lần thứ VI

Hiệp hội Mía đường Việt Nam hiện nay có tất cả 49 hội viên, trong đó có 31 hội viên sản xuất, 8 hội viên thương mại dịch vụ, 1 hội viên nghiên cứu khoa học, 9 hội viên nông dân.

Trong nhiệm kỳ 2014 - 2018, các thành viên Hiệp hội đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra: Tiếp tục duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh cả khâu nguyên liệu và công nghiệp chế biến, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, góp phần bình ổn thị trường giá cả trong nước; từng bước chủ động tham gia hội nhập kinh tế, trước hết thực hiện các cam kết của Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất, bổ sung cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành mía đường bền vững. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Hoàn thiện tổ chức bộ máy Hiệp hội, tăng cường đoàn kết, đồng thuận và phát triển.

Những năm qua, cây mía vẫn khẳng định được vị trí trong hệ thống cây trồng ngành nông nghiệp. Toàn ngành mía đường tiếp tục duy trì ổn định sản xuất vùng nguyên liệu khoảng 300.000 ha, trong đó, diện tích tập trung khoảng 280.000 ha. Sản lượng mía nguyên liệu 4 niên vụ qua đạt trên 56 triệu tấn, sản lượng đường đạt trên 5 triệu tấn. Trong đó, hai niên vụ 2013/2014 và 2014/2015 đạt sản lượng mía và đường cao nhất trong 22 năm đầu tư, phát triển ngành mía đường.

Trong 4 năm, ngành mía đường đã tạo ra giá trị sản phẩm khoảng 140.000 tỷ đồng, bình quân khoảng 35.000 tỷ đồng/năm. Nộp ngân sách Nhà nước bình quân 3.500 tỷ đồng/năm. Hàng năm, ngành mía đường đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động, giúp tăng thu nhập cho trên 300.000 hộ nông dân.

Đến nay, 95% diện tích mía nguyên liệu đã được các thành viên Hiệp hội Mía Đường ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm với người trồng mía. Ngành mía đường tiếp tục là ngành đi đầu trong việc tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến và tiêu dùng; xây dựng hợp tác xã kiểu mới, thúc đẩy hình thành cánh đồng lớn trong sản xuất mía đường. 20 đơn vị thành viên Hiệp hội trong 4 năm đã đầu tư gần 7000 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu (gồm cho vay và hỗ trợ về giống, chuyển đổi cây trồng, khai hoang, mua vật tư, thiết bị...), trong đó đầu tư không thu hồi gần 500 tỷ đồng.

Hiệp hội đã tham gia tích cực với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội như xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. 20 đơn vị thành viên Hiệp hội trong 4 năm qua đã dành hơn 59 tỷ đồng thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn, trong đó có 45 tỷ đồng dành cho công tác xã hội và từ thiện.

Đại hội đã nhất trí các mục tiêu, phương hướng đề ra của Hiệp hội Mía Đường nhiệm kỳ tới. Mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức cạnh tranh của ngành đường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, từng bước hướng tới thị trường xuất khẩu trong điều kiện hội nhập. Đầu tư thâm canh diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện theo hướng: Đổi mới giống mía, áp dụng công nghệ canh tác tiên tiến, mở rộng thâm canh có tưới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất, chất lượng mía, đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy.

Cùng với đó, tiếp tục đầu tư, đổi mới theo hướng thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, mở rộng công suất phù hợp với vùng nguyên liệu. Thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm cạnh đường, sau đường nhằm nâng cao hiệu suất thu hồi, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành, Ban kiểm tra Hiệp hội Mía Đường Việt Nam nhiệm kỳ VI (2018 – 2022).

Phương Thanh