TĐKT - Ngày 22/12, tại Hà Nội, Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình "Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững", nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Toàn cảnh Diễn đàn
Diễn đàn đã thảo luận về các nội dung: Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững; nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguyên liệu thô trong sản xuất năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - trụ cột của an ninh năng lượng và phát triển bền vững quốc gia; các thách thức về môi trường và thị trường hóa trong chuyển dịch cơ cấu năng lượng ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp về an ninh năng lượng phù hợp với định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và ưu tiên nguồn vốn đảm bảo an ninh năng lượng.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó; trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng xét trên góc độ lợi ích quốc gia.
Đối với Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng được xác định là mục tiêu xuyên suốt trong Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ quan điểm: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức: Các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như: Tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng. Từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng này ngày càng tăng lên nhanh trong dài hạn.... Những yếu tố này cho thấy, các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn.
Nguyên nhân chủ yếu được Bộ Công thương nhận định là do tài nguyên năng lượng sơ cấp về thủy điện về cơ bản đã khai thác hết; sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh. Tuy trữ lượng than còn nhiều nhưng chưa khai thác triệt để do công nghệ còn lạc hậu và điều kiện khai thác ngày càng khó khăn làm tăng giá thành. Một số dự án nguồn điện chưa đưa vào vận hành do chậm tiến độ và chậm khởi công so với quy hoạch, hoặc dừng triển khai…
ThS Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết: Chính sách quốc gia về tiết kiệm năng lượng của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2030 đặt ra mục tiêu: 90% khu công nghiệp và 70% cụm công nghiệp được tiếp cận, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng; giảm 5% tiêu thụ xăng dầu trong giao thông vận tải; 150 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh; dán nhãn năng lượng 50% các sản phẩm vật liệu xây dựng có yêu cầu cách nhiệt; 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng; 100% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện, giải pháp kỹ thuật theo hướng tiết kiệm năng lượng.
Để đạt được mục tiêu này, ThS Hoàng Văn Tâm kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo cấp đủ nguồn kinh phí hoạt động của Chương trình ở Trung ương và địa phương (gắn với Khung kế hoạch hoạt động tổng thể); hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy mô hình công ty dịch vụ năng lượng tương xứng với nhu cầu của xã hội; thành lập quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tạo thị trường vốn cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng.
Diễn đàn đã giúp các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp có cái nhìn toàn cảnh hơn về vấn đề an ninh năng lượng; thảo luận về tác động, thách thức mà các doanh nghiệp đang gặp phải, từ đó định hướng cho các doanh nghiệp trong việc phát triển bền vững.
Phương Thanh