TĐKT - Trong những tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động phức tạp đầy khó khăn, thách thức, căng thẳng nhưng Tổng cục Hải quan cũng đã quyết tâm và 4 tháng đầu năm 2022 đã mang lại nhiều kết quả nổi bật ngoài mong đợi.
Hoàn thiện cơ chế chính sách
Trên cơ sở chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Quyết định số 2517/QĐ-BTC ngày 27/12/2021 của Bộ Tài chính, trong Quý I/2022, Tổng cục Hải quan đã tích cực phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đối với đề án đã trình Chính phủ đồng thời tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật hải quan.
Nổi bật là việc đôn đốc, phối hợp với các đơn vị liên quan để rà soát, lấy ý kiến, tổng hợp, giải trình và hoàn thiện 3 dự thảo: Thứ nhất, Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/5/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; thứ hai, Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thứ ba, Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử).
Tổng Cục Hải quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, đồng thời nghiêm túc triển khai các kế hoạch, chỉ thị tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc cung cấp tài liệu kiểm chứng phục vụ chấm điểm chỉ số PAR INDEXnăm 2021 của Bộ Tài chính; hiện đang triển khai đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2021 của Tổng cục Hải quan theo yêu cầu của Văn phòng Bộ; tổ chức đánh giá và chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 5 thủ tục hành chính (TTHC); rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại 5 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; tiếp tục rà soát và cập nhật quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ.
Tình hình, kết quả giải quyết TTHC trong quý I/2022: Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC toàn ngành trong kỳ 3.867.726 hồ sơ, trong đó 3.862.612 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn (đạt tỷ lệ 99,87%); 5.114 hồ sơ đang giải quyết (chiếm tỷ lệ 0,13%).
Trình Bộ Tài chính trình Chính phủ Tờ trình số 23/TTr-BTC ngày 11/02/2022 về Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 (hiện đang rà soát, hoàn thiện Chiến lược trên cơ sở công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái); tiếp tục xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa trọng tâm ngành Hải quan năm 2022.
Triển khai đánh giá năng lực lãnh đạo cấp phòng, chi cục và tương đương trở xuống. Cập nhật bộ đề đánh giá năng lực vào phần mềm sinh câu hỏi tự động AQGS và xây dựng cấu trúc đề đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ lãnh đạo cấp phòng, chi cục và tương đương.
Phối hợp với Hiệp hội và các đơn vị thuộc Tổng cục (Cục GSQL, Cục Thuế XNK, Cục CNTT&TKHQ), Cục Hải quan tỉnh, thành phố (TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và Lạng Sơn) tổ chức buổi đối thoại trực tuyến ngày 8/4/2022 nhằm hỗ trợ và giải đáp 27 vướng mắc kiến nghị với các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Eurocham.
Kết quả triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nước về hải quan
Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực triển khai tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính.
Theo đó, khi hệ thống công nghệ thông tin mới của ngành Hải quan được đưa vào vận hành, thủ tục hải quan sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan là yêu cầu khách quan, là chìa khóa và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh, theo chủ trương chung của của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (~ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch Covid19 đang diễn ra căng thẳng. Tính từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 15/4/2022, số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 được tiếp nhận, giải quyết gần 4,3 triệu hồ sơ.
Nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, từ ngày 27/1/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa XNK tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong thời gian tới.
Hồng Thiết