TĐKT – Chiều 30/11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức họp báo Công bố chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo báo cáo năm 2017, sản lượng điện thương phẩm của EVN thực hiện là 174,65 tỷ kWh; tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN là 7,24%, thấp hơn 0,36% so với kế hoạch và thấp hơn 0,33% so với tỷ lệ tổn thất điện năng thực tế của EVN năm 2016 (7,57%).
Quang cảnh buổi họp báo
Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 291.278,46 tỷ đồng, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 là 1.667,77 đ/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.
Chi phí sản xuất, kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017. Doanh thu bán điện năm 2017 là 289.954,78 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.660,19 đ/kWh.
Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất, kinh doanh điện trong năm 2017 là 4.115,76 tỷ đồng.
Tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện các năm trước cũng chưa được tính vào giá điện.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 căn cứ trên các tài liệu do EVN và các đơn vị thành viên cung cấp: Báo cáo chi phí và giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN do kiểm toán độc lập - Công ty TNHH Deloitte Việt Nam kiểm toán; báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 sau kiểm toán của EVN, báo cáo tài chính do đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán của Công ty mẹ EVN và các đơn vị thành viên; hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện thông qua kiểm tra chọn mẫu; tài liệu do các đơn vị được kiểm tra cung cấp theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra.
EVN chịu trách nhiệm về tính chính xác và tính trung thực của các số liệu báo cáo cho Đoàn kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện.
Việc kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 không bao gồm thanh kiểm tra việc chấp hành của EVN đối với các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn và tài sản, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp, các quy định về đầu tư, đấu thầu xây dựng công trình điện và mua sắm, thanh lý thiết bị. Khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan, chi phí/giá thành sản xuất, kinh doanh điện sẽ được hiệu chỉnh tương ứng.
Tại buổi họp báo, chia sẻ về những khó khăn, thách thức của việc cung ứng điện trong năm 2019, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc phụ trách EVN cho biết: Để bảo đảm đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước từ năm 2019, cần thực hiện nhiều giải pháp: Tuyên truyền tiết kiện điện, giải pháp với các doanh nghiệp trong việc chủ động điều hành lịch sản xuất nhằm san tải và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Đại diện EVN cũng kiến nghị các giải pháp nhằm huy động, đấu nối hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo góp phần bảo đảm việc cung ứng điện trong thời gian tới.
Thục Anh