TĐKT - Trên cơ sở bình chọn của các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan báo chí ngành Tài chính, Bộ Tài chính công bố 10 sự kiện nổi bật ngành Tài chính năm 2022, cụ thể:
Thứ nhất, chủ động đề xuất nhiều chính sách mới, chưa có tiền lệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội
Thứ hai, nhiều nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước hoàn thành sớm trước thời hạn. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) đề ra. Đến ngày 15/12/2022, thu NSNN năm 2022 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% so dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN xấp xỉ 18% GDP (vượt mục tiêu 15,2% GDP). Thu NSTW vượt 19,3% dự toán; thu NSĐP vượt 20,4% dự toán.
Thứ ba, ngành Tài chính liên tục dẫn đầu về chuyển đổi số.
Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp thẩm quyền ban hành nhiều chính sách miễn giảm, giãn thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số. Trong đó, theo kết quả được công bố của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vào tháng 5/2022, Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/17 bộ, cơ quan ngang bộ với kết quả Chỉ số Cải cách hành chính đạt 91,9/100 điểm. Đây là năm thứ 8 liên tiếp (2014-2021), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu PAR Index.
Thứ tư, hoàn thành trước 2 tháng việc phủ sóng hóa đơn điện tử trên toàn quốc. Tiếp nối thành công của việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, TP trong năm 2021, ngày 21/4/2022 Tổng cục Thuế thực hiện giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, TP còn lại. Với tinh thần quyết tâm cao và bằng nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ, thống nhất, ngành thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai HĐĐT vượt tiến độ hơn 2 tháng theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nói riêng và ngành tài chính nói chung.
Thứ năm, chiến lược Tài chính đến năm 2030 tạo nền tảng xây dựng nền Tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập. Đây là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của ngành Tài chính thời gian tới, góp phần tạo nền tảng xây dựng nền Tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại, hội nhập.
Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng 08 chiến lược ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 05 chiến lược ngành (Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, nợ công, Kế toán - kiểm toán), đồng thời 03 chiến lược ngành đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các chiến lược ngành đều đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030 của Chiến lược Tài chính nói chung và các chiến lược ngành nói riêng.
Thứ sáu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, giám sát, kịp thời chấn chỉnh thị trường chứng khoán phát triển minh bạch. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kịp thời chỉ đạo, điều hành, bám sát tình hình, có phản ứng chính sách, đưa ra các giải pháp phù hợp. Nhờ đó, thị trường đang ổn định trở lại, củng cố được niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Thứ bảy, Việt Nam tăng xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách và tín nhiệm quốc gia. Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia đồng thời tác động tích cực đến tín nhiệm của các doanh nghiệp. Tiếp theo sự kiện nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tổ chức Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của 12 ngân hàng Việt Nam.
Thứ tám, Việt Nam là một trong số ít những quốc gia kiểm soát lạm phát hiệu quả. Kết quả là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của Việt Nam năm 2022 tiếp tục đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra là dưới 4%. Con số này thấp hơn so với nhiều nước, khu vực trên thế giới đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ chín, ngành Hải quan nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục mới 700 tỷ USD. Ngành Hải quan đã tập trung chống thất thu, đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm tra sau thông quan; thanh tra kiểm tra… Trong năm đã bắt giữ trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan với trị giá 5,8 nghìn tỷ đồng, thu nộp NSNN 425,6 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 45 vụ và chuyển các cơ quan khác khởi tố 112 vụ vi phạm, đặc biệt là bắt giữ 268 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ 233 đối tượng; tang vật thu được gồm: 153 kg Heroin và 28 bánh heroin; 145 kg Cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg...
Thứ mười, Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tạo nền tảng phát triển bền vững thị trường bảo hiểm Việt Nam. Luật Kinh doanh bảo hiểm khi được thực thi, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn về cả quy mô và chất lượng trong thời gian tới.
Hồng Thiết