TĐKT - Ngày 8/9, tại Hà Nội, Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội) tổ chức Diễn đàn khoa học về “Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đến dự, có: PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương; GS. TSKH Hoàng Xuân Hòa, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương; TS. Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp hội; TS Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp hội; nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Trương Đình Tuyển.
Được biết, hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại động lực và điều kiện cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Song song với ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế theo định hướng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Chính quá trình hội nhập sâu rộng cũng góp phần tạo động lực cho Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ trong nước. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại một số thách thức trong quá trình thực thi các cam kết và thỏa ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh.
Quang cảnh Diễn đàn
Theo đó, mục tiêu của TPP là thiết lập một mặt bằng tự do “sân chơi” chung cho các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Phạm vi điều chỉnh của TPP rất rộng, đây là một thoả thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, các chính sách quản lý nhà nước về vấn đề môi trường, lao động, phòng, chống tham nhũng, an ninh…
Với những yêu cầu mới đó, tại Diễn đàn, các đại biểu đã có những đóng góp và ý kiến liên quan vấn đề về: đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và có hiệu quả, việc tham gia và kết thúc đàm phán một số FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA, RCEP,..) là bước tiếp theo trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế góp phần mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Tuy vậy phạm vi và độ sâu các cam kết trong các FTA thế hệ mới tiếp tục gia tăng so với các cam kết trong WTO và các thỏa ước hội nhập kinh tế quốc tế truyền thống khác. Bên cạnh đó, cơ hội và thách thức từ hội nhập kinh tế quốc tế sẽ đan xen nhau một cách phức tạp hơn, ảnh hưởng đến quá trình ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, việc tận dụng cơ hội và xử lý các thách thức đòi hỏi phải có những nỗ lực cải cách thế chế trong nước sâu rộng hơn; tổ chức triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Chỉ khi tham gia chủ động và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì Việt Nam mới có cơ hội để phát triển, theo kịp các nền kinh tế khác trên thế giới và hội nhập thế hệ mới thành công.
Hồng Thiết