BTĐKT - Chuyển đổi số của ngành Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp. Đó là những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, nhất là quyết tâm trong chuyển đổi số của ngành Hải quan.
Các chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực về hiện đại hóa của ngành Hải quan và nỗ lực trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan.
Chuyển đổi số của ngành Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, chuyển đổi số của ngành Hải quan đã có những tác động rất tích cực với người dân và doanh nghiệp. Điển hình là đã số hóa thông qua cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức cao. Vấn đề đặt ra là cơ quan Hải quan cần triển khai những bước tiếp theo như thế nào để chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận xét, hải quan là một trong những ngành tiên phong áp dụng bộ công cụ quản lý hiện đại vào công tác quản lý và công tác tuyên truyền hỗ trợ đối với người dân, doanh nghiệp. Những động thái về chuyển đổi số của cơ quan quản lý nhà nước đã giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu trúng để tương tác với cơ quan hải quan, qua đó thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và giải quyết những khúc mắc gặp phải trong sản xuất, kinh doanh, trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, thực hiện nghĩa vụ thuế...
Dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhưng các chuyên gia nhìn nhận tiến trình chuyển đổi số của ngành Hải quan vẫn đang ở giai đoạn đầu và còn nhiều dư địa để thực hiện. Trong tiến trình đó, ngành Hải quan cũng phải lường trước những khó khăn, thách thức để có cách ứng phó một cách hiệu quả.
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan Bùi Minh Hải, thời gian qua, ngành Hải quan đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan. Trước yêu cầu, mục tiêu tiếp tục phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, phục vụ công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn, ngành Hải quan luôn đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.
Liên quan đến chuyển đổi số của ngành Hải quan, cơ quan Hải quan đang tập trung thực hiện Hải quan số, song song với đó là tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hơn nữa các bước, các khâu của thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành nhóm II của các bộ, ngành, khi làm thủ tục xuất nhập khẩu sẽ rơi vào luồng Vàng (phải kiểm tra chi tiết hồ sơ). Tuy nhiên, khi xây dựng Hải quan số với các yêu cầu cải cách, ngành Hải quan đã tính toán, đưa ra các yêu cầu, bài toán nghiệp vụ để 100% hàng hóa thuộc nhóm II đều không bị rơi vào luồng Vàng. Điều này sẽ căn cứ vào dữ liệu đầu vào, đối chiếu khai báo của doanh nghiệp với dữ liệu của cơ quan Hải quan và dữ liệu của bộ, ngành....
Với chủ trương và nỗ lực này, cơ quan Hải quan kỳ vọng và đặt mục tiêu tiếp tục tăng tỷ lệ các lô hàng luồng xanh (được thông quan tự động) và giảm tỷ lệ luồng vàng, luồng đỏ. Đây là một điểm cải cách rất lớn mà ngành Hải quan đang nỗ lực thực hiện để đưa lại những hiệu quả rõ rệt hơn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành Hải quan cũng đẩy mạnh dụng công nghệ thông tin, ứng dụng các công nghệ hiện đại vào công tác quản lý về hải quan để triển khai tiến trình chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu quả.
Song Linh