TĐKT - Chiều 3/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các điển hình tiên tiến trong thực hiện mục tiêu kép của ngành Dệt May Việt Nam.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, thị trường dệt may thế giới dù có khởi sắc hơn so với năm 2020 nhưng mức tăng trưởng chỉ mới đạt khoảng 2,3%. Trong bối cảnh đó, ngành Dệt May Việt Nam vẫn đạt mức xuất khẩu cao, 7 tháng qua, toàn ngành xuất khẩu đạt gần 23 tỷ USD so với mục tiêu khoảng 39 tỷ USD của năm nay. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, năm nay toàn ngành có thể xuất khẩu được 40 tỷ USD. Riêng Tập đoàn Dệt May Việt Nam, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng mạnh tới 217%, cao gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái và cao nhất trong 25 năm qua, tương đương 620 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của lao động là 8,4 triệu đồng/người/tháng.
Do tác động của dịch COVID-19, hiện có trên 40 ngàn lao động khu vực phía Nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách. Toàn bộ tập đoàn có 209 ca F0 trên địa bàn cả nước. Tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 7.650 trong tổng số 150 ngàn lao động của Tập đoàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt
Để duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngành đã áp dụng phương châm “3 tại chỗ” là cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc, nên đảm bảo được 80% yêu cầu công việc so với lúc bình thường. Các doanh nghiệp nắm được địa bàn cư trú của công nhân, các khu nhà trọ để cùng địa phương kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó là bố trí nhà ăn ngăn vách, thời gian ăn cố định theo mã số nhân viên. Có phương án chuẩn bị điều kiện 3 tại chỗ cho khoảng 10% công nhân để hoàn thiện đơn hàng khi xảy ra cách ly. Với các biện pháp đó, ngay cả khi xuất hiện ca F0 thì cũng chỉ cách ly 15 đến 20 người.
Đến nay, 100% các đơn vị thuộc tập đoàn vẫn có đủ đơn hàng trong các quý III, quý IV/2021. Theo dự báo, kịch bản trung bình, dệt may Việt Nam quyết tâm tăng trưởng 18% trong năm nay. Trong tình huống xấu hơn, tập đoàn vẫn đảm bảo kế hoạch có lợi nhuận.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh của ngành Dệt May Việt Nam cho biết: Hiện nay, ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do khó khăn trong luân chuyển hàng hóa giữa các địa phương có dịch và từ nước ngoài vào Việt Nam; đứt gãy cung ứng lao động do bối cảnh làm việc theo mô hình giãn cách, việc người dân hồi hương quá lớn, dẫn đến tỷ lệ quay trở lại làm việc chỉ đạt khoảng 65% sau khi hoạt động bình thường trở lại. Trong khi đó, quý III, quý IV tới là khoảng thời gian sản xuất trọng yếu của ngành Dệt May Việt Nam…
Các ý kiến cũng đề nghị Nhà nước, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, nhất là người lao động, trong đó có lao động ngành Dệt May để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất và đảm bảo đủ nguồn nhân lực, điều kiện thực hiện các đơn hàng quy mô lớn thời điểm cuối năm 2021.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của ngành Dệt May đạt được nửa đầu năm nay, trong bối cảnh dịch bệnh và cho rằng, đây là những nỗ lực rất đáng biểu dương, ghi nhận, có ý nghĩa lớn với đất nước. Đất nước rất cần những “bông hoa đẹp” như các điển hình tiên tiến ngành Dệt May.
Chủ tịch nước yêu cầu Tập đoàn và Hiệp hội Dệt May Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả đạt được, bám sát thực tiễn, có chính sách kịp thời, sáng tạo, linh hoạt, tự lực tự cường, hoàn thành mục tiêu kép. Có các giải pháp ưu tiên đến từng doanh nghiệp, từng giai đoạn và từng loại sản phẩm.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ưu tiên lớn nhất vẫn là bảo vệ sức khỏe của công nhân, tiếp tục hạn chế thấp nhất số ca F0 như hiện nay. Toàn bộ hệ thống doanh nghiệp cần động viên công nhân lao động, quan tâm hơn nữa đến đời sống, thu nhập, việc làm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, không để ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh. Phát huy tối đa năng lực sản xuất ở các vùng nguy cơ dịch bệnh thấp, giữ gìn chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Dệt May. Có phương án chuẩn bị sẵn sàng để khi kiểm soát được dịch bệnh thì bắt tay ngay vào đẩy mạnh sản xuất. Những đơn vị dẫn đầu, nòng cốt như Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã phát huy được vai trò dẫn dắt trong thời gian vừa qua và cần tiếp tục phát huy vai trò này.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chính phủ, ngành Y tế, các địa phương phải quan tâm hơn nữa đến ngành Dệt May vì số công nhân rất đông, đặc biệt là hỗ trợ vaccine để tiêm cho công nhân của những ngành sản xuất những sản phẩm thiết yếu cho tiêu dùng, cho phòng, chống dịch và xuất khẩu. Ngành Dệt May Việt Nam nằm trong tiêu chí đó.”
Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là các doanh nghiệp phía Nam cần có chính sách hỗ trợ lao động, có chính sách giữ chân lao động và đưa lao động trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, trong đó có lao động ngành Dệt May. Chủ tịch nước nhắc đến bài học của Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên trong phong trong việc đề nghị lao động các địa phương ở lại thành phố để được tiêm vaccine.
Chủ tịch nước đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần phát động phong trào thi đua, thực hiện khen thưởng động viên những tấm gương tiêu biểu, những cách làm hay, sáng tạo ngay trong dịch bệnh. Các doanh nghiệp, nhất là các Đảng bộ, chi bộ, tổ chức công đoàn vận động tốt hơn công nhân, lao động đoàn kết, bảo vệ sản xuất, bảo vệ sức khỏe, tránh không bị kích động, xúi giục bởi thế lực thù địch.
Phương Thanh