Cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp
20/06/2018 - 14:06

TĐKT - Ngày 19/6, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2018.

Toàn cảnh Diễn đàn

Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp có thành tích cao trong hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường, đại diện các cơ quan trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, doanh nhân trên cả nước.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xung quanh 2 chủ đề: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.

Chương trình được thiết kế nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về tình hình kinh tế, phát triển kinh doanh trên thế giới và Việt Nam, tổ chức sản xuất và cơ cấu ngành kinh tế theo hướng tăng dần các sản phẩm mang hàm lượng giá trị gia tăng cao, động viên các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực hơn trong phát triển kinh tế kinh doanh.

Diễn đàn là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư nhìn lại toàn cảnh nền kinh tế và định hướng cho những năm tiếp theo, thảo luận và đối thoại về những nhu cầu, những vấn đề thực tiễn cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp để các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2018, cả nước có 41.295 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 412 nghìn tỷ đồng, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 11,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 6,8%.

Nếu tính cả 749 nghìn tỷ đồng của gần 12,2 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm 2018 là 1.161 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), môi trường kinh doanh đã được nâng cao chất lượng một bước đáng kể, đáng ghi nhận; nhận được phản hồi tích cực và đồng thuận từ phía dư luận và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, niềm tin vào tương lai kinh doanh, khát vọng tham gia thị trường được củng cố và nâng lên một bước quan trọng, thể hiện rõ về việc gia tăng số lượng doanh nghiệp mới đăng ký thành lập.

Hàng loạt điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy định bất hợp lý đã được cơ quan quản lý rà soát, bãi bỏ mang lại sự hỗ trợ và thuận lợi hóa thiết thực đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ một số vấn đề đáng lo ngại, cần nhận diện rõ ràng để khắc phục càng sớm càng tốt. Đó là tình trạng quy mô trung bình của doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhỏ, thiếu sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập và có sự cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, mức độ tham gia vào hoạt động xuất khẩu quốc gia, kết quả xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng thấp hơn hẳn so với các đơn vị thuộc khu vực khác.

Hiện doanh nghiệp tư nhân phải đối diện với nhiều yếu tố, quy định bất lợi về điều kiện kinh doanh: Các quy định về diện tích nhà xưởng, trang thiết bị chuyên dùng, quy định về nhân sự trong bộ máy quản lý, điều kiện về vốn hoạt động ... trong nhiều trường hợp lại bị đòi hỏi cao hơn, khắt khe hơn so với các đơn vị FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực…

TS Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định: Dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện nhiều, song hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Để giải quyết bài toán này, cần tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Nhất là cải cách mạnh hệ thống pháp luật về doanh nghiệp theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo trật tự và tính an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh, cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác hậu kiểm…

Phương Linh