TĐKT - Ngày 1/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật, quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Bộ Công Thương nêu rõ, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng; khắc phục những bất cập, chồng chéo với các quy định pháp luật có liên quan; bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình thực tế.
Hội thảo được tổ chức nhằm đề xuất cơ chế, chính sách đồng bộ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển bền vững ngành năng lượng nói riêng và tổng thể nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi có quy định một chương về chức năng, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (từ Điều 60 đến Điều 64, thuộc Chương IX).
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, vẫn cần phân tách rõ vai trò, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho PVN. Chẳng hạn, theo dự thảo luật, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đại cương dự án dầu khí thuộc về Bộ Công Thương. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, góp ý đối với các dự án dầu khí thông thường, thẩm quyền phê duyệt đại cương nên trao cho PVN. Với các kế hoạch đại cương của dự án dầu khí theo chuỗi, quy mô phức tạp, thẩm quyền phê duyệt Bộ Công Thương là hợp lý, thậm chí cần cấp có thẩm quyền cao hơn xem xét.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định: PVN là doanh nghiệp nhà nước, lĩnh vực hoạt động, quản lý là ngành kinh tế quan trọng, liên quan đến những vấn đề an ninh, quốc phòng. Vì thế, đề nghị bổ sung các quy định về kiện toàn bộ máy, tổ chức của PVN để tương xứng với vai trò, chức năng được giao.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, dự luật mới nhất vẫn chưa phân tách rõ vai trò của PVN: Quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao và là doanh nghiệp, nhà thầu. Theo ông Nguyễn Văn Tuân, Ủy viên ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, Luật sửa đổi cần quy định rõ trách nhiệm của PVN trong ký kết với nhà đầu tư nước ngoài, thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ.
Theo thông lệ quốc tế, có hai mô hình công ty dầu khí trên thế giới. Một là công ty dầu khí quốc gia, thực hiện các mục tiêu, chiến lược của Nhà nước. Đây cũng là mô hình hoạt động của PVN hiện nay. Hai là, mô hình công ty dầu khí quốc tế, có mục tiêu chính là kinh doanh. Ở lần sửa đổi này, các chuyên gia đề nghị phân định rõ tới đây sẽ phát triển PVN là công ty dầu khí quốc gia hay theo mô hình công ty dầu khí quốc tế. Việc xác định địa vị pháp lý rõ ràng giúp rõ hơn chức năng quản lý nhà nước, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Phương Linh